Lâu nay có nhiều tiếng kêu di sản văn hóa dân thiểu số bay nhanh quá, lại có nhiều tiếng la phải giữ lấy những bản sắc ấy. Lần này, ban phóng sự báo tôi bảo nhau làm loạt bài về chuyện này, xin kể ra đây những chuyện “bếp núc” sẽ chả bao giờ được chường lên mặt báo.
Các cô gái Thái |
Cơn cớ: Nghĩa Lộ
Có câu nói về bốn cánh đồng lớn nhất Tây Bắc: nhất Thanh (Mường Thanh - Điện Biên), nhì Lò (Nghĩa Lộ - Yên Bái), tam Than (Than Uyên - Lai Châu), tứ Tấc (Phù Yên - Sơn La). Nghĩa Lộ được xem là chỗ đổ xuống đầu tiên ở Việt Nam của người Thái, khi bị người Hán đuổi khỏi Vân Nam (Trung Quốc). Cuối năm ngoái tôi gặp ở đây ông Lò Văn Biến, người thông thạo văn hóa Thái Đen. Chuyện thì nhiều, có đoạn ông mở lớp dạy tiếng Thái. Nhiều người học, rất thích thú, nhưng an ninh văn hóa hỏi thăm, tỉnh ko muốn “nhân” rộng. Nó làm tôi chú ý, phải hỏi “tại sao?”. Dạy chữ để đọc các sách cổ tốt chứ, hay có ai nghĩ sự thống nhất, vẹn toàn về chính trị bị ảnh hưởng vì điều đó… Một dân tộc biết gốc tích mình có muốn tách khỏi “đại dân tộc” - tức quốc gia - không? Ở một đại hội nhà văn ông nhà thơ Tày Nông Quốc Chấn, còn là thứ trưởng văn hóa, phát biểu “Mất chữ là mất văn hóa”, thì ông ấy đau đến mức nào? Thực tế là chữ Nôm Tày chỉ còn mấy ông mo đọc, vài lần mỗi năm.
Nghĩ thế, và nhân đi làm loạt bài trên, tôi dò dẫm theo chữ Thái.
Sơn La: đi tìm chữ Thái
Xã Mường Sang huyện Mộc Châu cách nay hơn 10 năm, hai ông về hưu, một là giám đốc sở văn hóa, một là giáo viên trường sư phạm Tây Bắc, mở lớp dạy chữ Thái cổ. Chưa kịp sủi tăm xã huyện đã xì tốp, giờ còn ấm ức: “Có coi thường dân tộc không? Ai cũng nói như nhau thì nhạt nhẽo lắm”. Tôi nghĩ thêm: “Phải. Bảo các ông con Lạc cháu Hồng không thuận thế nào”. Năm ngoái nơi này một hiệu trưởng cấp 3 mở tiếp. Nhiều người ủng hộ. Bí thư xóm: “Văn bản chỉ thị đều chữ Việt cả, học làm gì”. Chính quyền không ủng hộ nhưng không cấm, lớp dạy tằng tằng, chả phải góp gì, hao hụt dần nhưng vẫn có người theo. Thầy giáo trên lại mở tiếp lớp xã khác, đảng ủy ở đây lại ra nghị quyết bắt cán bộ xã (đâu tới 19 “ngành, đoàn thể”) phải học, rất có đà.
Lên Sơn La - mới lên thành phố - thì phong trào lại rất cao. Trung tâm Giáo dục thường xuyên vài trăm trò. Tỉnh ủng hộ, bộ Giáo dục - đào tạo chỉ thị học. Té ra là có cả một nghị định chính phủ rằng cán bộ công chức, biên phòng, công an, bộ đội… biết thêm tiếng dân tộc sẽ xét vào việc lương thưởng, đề bạt. Người ta bỏ tiền đi, dọn việc nhà đi.
Nhu cầu học chữ của cộng đồng Thái có từ lâu, và âm ỷ trong thôn bản như lớp tôi gặp ở Nghĩa Lộ. Người ta muốn có một bộ chữ chung, nhưng cả nước có tới 7 tỉnh có Thái, mỗi anh khác nhau mỗi tý. Sau bao nhiêu họp hành mới ra được bộ chữ Thái thống nhất, hao hao ta lấy nắm giá đỗ vứt ra đất. Đánh vần được, đặc biệt là thêm bớt vài nét thì đọc được sách cổ, kiểu như ta đọc được Truyện Kiều vậy.
Hình thành rồi thì rộ lên, nhưng nhất là Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên. Những nơi khác chính quyền chả ủng hộ thành nghị quyết, còn có cản không thì không biết…
Nhà Mông ở Hà Giang
Tộc này cũng chạy người Hán từ phương Bắc xuống. Chiến tranh biên giới, họ rất ngán ngẩm vì không được tin tưởng. Trong tục của họ còn nhiều nét thù Hán đến xương tủy, như đám ma đi vòng quanh nhà xua ma Hán đi. Thường treo trước cửa tấm vải đỏ, là “mảnh” của lá cờ quốc gia Tam Miêu xé ra trước khi bị Hán đuổi giết. Họ không có chữ, bài cúng, sử sách gì đều truyền khẩu. Lại có lối dạy nghề thầy mo rất lạ: ông thầy ra đồng bắt con cào cào hát nó nghe, ông trò ngồi gần đó học lỏm. Học trực tiếp hồn thầy bị ma tha mất mà. Vì thế tam sao thất bản, mỗi nơi hát, cúng một khác, thầy cúng đố hai ông một bài như người Việt ta quán triệt bài thơ Thần với lại Chiếu dời đô.
Tóm lại không có văn tự thì rất mong manh. Bởi vậy mà trong di sản văn hóa Mông, ngôi nhà có giá trị lớn. Ở Đồng Văn, thường nhà bao quanh là hàng rào đá, có khi cao 2 mét mà gió không xô nổi. Trong vườn thế nào cũng có lê, mận, đào, rồi chuồng trâu, bò, dê. Nhà tường chình, lợp ngói âm dương, ba gian có chức năng cụ thể. Bếp lửa rất quan trọng, để hong khô xâu thịt trâu, ngô, đậu trên gác, đàn ông hút thuốc uống rượu bên cạnh.
Từ bên ngoài nhìn vào, nhà Mông rất đẹp. Rào đá, lê mận, sa mộc, tường chình mái ngói âm dương thấp thoáng, nhưng người xuôi lên hay bảo bẩn, chỗ nào cũng ám khói, tối, và mang “quan điểm” ở của mình áp vào. Chi chít các dự án, chương trình xóa đói giảm nghèo, hạ sơn, xóa nhà tạm, tái định cư thủy điện…, kết quả là ra đời những nhà gạch mái bằng 20 triệu cạnh đường, nhà gạch lợp ngói “phi bờ rô xi măng” mùa hè là cái lò, mùa đông núi đá lạnh thấu xương. Không có vườn và rào đá, tất nhiên chẳng lê đào mận. Nhìn những “xóm” mới ấy khô, trơ, phần lãng mạn ít đã đành. Nhưng công năng ở chả hợp, như không có bếp lửa, chỗ để cất ngô, sấy thịt, thành thử nhiều chỗ người ta bỏ không đến, mà cứ cheo leo lưng núi mà cắm. Dĩ nhiên khi tính thành tích, số căn nhà căn hộ ấy sẽ nhấn rất đậm trong tổng kết của các cơ quan, doanh nghiệp.
Nhà thì vậy. Còn làm đường? Nhà đầu tư, thường là bên giao thông, “chỉ thích làm đường nhựa hay những gói thầu lớn”. Đường ô tô đến trung tâm các xã rồi dừng, một cán bộ Mông bảo giá làm đường cấp phối hay bằng đá xây xi măng, giá chỉ bằng 1/3, thì trèo đến các bản được. 4 huyện núi đá Hà Giang ít nước, được chính phủ cho 30 cái “hồ treo” vài trăm khối, nhưng có cái ngay bên đường khô khốc, khi làm không tính đến nguồn nước. Còn nhiều chuyện nữa. Nghĩ mà xót ruột cho đồng tiền mang từ xuôi lên, và cho những người vùng cao luôn mang tiếng “được cho”.
Kể sơ sơ một chút. Sắp tới tôi lại đi Tây Nguyên, nơi mỗi buôn có một “nhà rông nhà nước” hoành tráng, xây theo chương trình gì đó. Đã nghe nói nhiều chỗ dân không đến, cứ tụ tập ở “nhà rông đồng bào” xập xệ hơn nhưng có hồn vía của tổ tiên họ.
T.C
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét