Đà Lạt, ngày 12/03/2011
Kính gửi: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội - Thành viên Ban Đề án đổi mới các cơ quan báo chí và truyền thông của Hội Nhà văn Việt Nam , khóa VIII.
Tôi là Phạm Quang Trung, hội viên thuộc Hội đồng Lý luận Phê bình văn chương Hội Nhà văn Việt Nam . Trong lá thư ngỏ này gửi tới anh, tôi xin có một số ý kiến liên quan đến việc kiện toàn để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí của Hội - vấn đề càng ngày càng chứng tỏ là một trong những khâu vướng mắc nhất, cản trở nghiêm trọng tới việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả Chương trình hoạt động của Hội Nhà văn chúng ta trong toàn Khóa 2010 - 2015.
Thưa anh,
Như anh đã biết, vào ngày 10/03/2011 vừa rồi, tôi có thảo một Bức thư ngỏ gửi tới tất cả các Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trong đó có anh, bày tỏ nỗi bức xúc và lòng mong mỏi vào những chuyển biến tích cực và mau chóng trong mọi hoạt động báo chí của Hội, nhằm thực hiện một trong những phương hướng và nhiệm vụ vừa cơ bản vừa bức thiết của Hội chúng ta là: “Củng cố, kiện toàn các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội, theo hướng chuyên nghiệp hóa, có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, năng động, vững vàng; có đội ngũ biên tập viên lành nghề, trách nhiệm cao, phẩm chất tốt, thật sự quý trọng nhà văn và bạn đọc… Củng cố website của Hội thành một tờ báo điện tử tác nghiệp nhanh nhạy, sinh động, cập nhật…” (Trích Báo cáo Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người, Phần Phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 do nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII trình bày tại Đại hội lần thứ VIII được tổ chức từ ngày mồng 04 đến mồng 06 tháng 08 năm 2010).
Tôi đã post Bức thư ngỏ này lên trang pqtrung.com vào lúc 16 h ngày 10/03/2011, rồi ngay sau đó, chủ động chuyển tới các Ủy viên Ban chấp hành mà tôi có địa chỉ email cùng các trang mạng vanvn.net, trannhuong.com, khoivudongnai.com nhờ thông báo giùm. Cẩn thận hơn, tôi đã gọi điện thoại trực tiếp cho Nhà thơ Đỗ Hàn - Chánh văn phòng Hội (số DĐ: 0912310356) kính đề nghị Văn phòng cho in và gửi tới tất cả các thành viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII bằng đường bưu điện. Cho tới lúc này, tôi đã nhận được sự phản hồi của các Ủy viên Ban chấp hành sau: Nhà Lý luận Phê bình Lê Quang Trang - Phó Chủ tịch; Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch; Nhà văn Trần Đức Tiến - UVBCH; Nhà văn Đình Kính - UVBCH; Nhà văn Vũ Hồng - UVBCH; Nhà thơ Văn Công Hùng - UVBCH. Bức thư còn được các website Sông Cửu Long (Tiếng nói của Liên chi hội Nhà văn Việt Nam Đồng bằng sông Cửu Long), Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh) và các trang blog trannhuong, tranductien, khoivudongnai chính thức chuyển lên mạng. Đặc biệt, ngay đầu giờ chiều nay, tôi có nhận được điện thoại động viên từ Nhà lý luận phê bình - Giáo sư Trần Đình Sử mà đối với tôi là một NGƯỜI ANH LỚN luôn đi đầu và có những đóng góp quan trọng cho công cuộc đổi mới tư duy lý luận văn chương của tất cả đội ngũ nhà văn chúng ta. Tự đáy lòng mình, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới các anh, các chị và các bạn đồng nghiệp xa gần. Sự hưởng ứng nồng nhiệt và kịp thời của các anh, các chị và các bạn là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với bản thân tôi, chứng tỏ nỗi niềm và nguyện vọng của tôi là chính đáng và được chia sẻ rộng rãi, đồng thời cũng chứng tỏ lòng tôi không mưu lợi ích gì riêng mà chỉ hướng tới sự thành đạt chung của Hội Nhà văn chúng ta, mong góp một phần nhỏ bé đáp ứng nỗi chờ đợi da diết từng ngày của mỗi hội viên hết lòng vì sự nghiệp cao quý của Hội trong khắp cả nước nhưng chưa có dịp bộc lộ ra.
Thưa anh,
Theo thông tin đáng tin cậy mà tôi biết thì có ba mảng công tác lớn đã được Ban chấp hành Hội Nhà văn trong các kỳ họp vừa qua đã nhất trí triển khai là: 1. Thực hiện tổng tập Truyện ngắn và Thơ thế kỷ XX; 2. Thành lập Trung tâm dịch thuật; 3. Tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ Toàn quốc lần thứ VIII (Theo website Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh). Tôi nghĩ, đó thật sự là những đầu việc quan trọng, nhưng dẫu sao cũng chỉ có tính chất cấp thời, cụ thể, sự ảnh hưởng của chúng không nhiều, không phổ biến và căn cốt bằng công tác báo chí của Hội. Bởi vậy, tôi thiết tha đề nghị anh, với cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng thời là Thành viên Ban Đề án đổi mới các cơ quan báo chí và truyền thông của Hội, hãy cho chúng tôi biết một một số thông tin và sự nhận xét cụ thể sau:
1. Sự đánh giá của Ban Đề án và riêng bản thân anh về đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên cùng chất lượng của Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn, Tạp chí Thơ, Tạp chí Văn học Nước ngoài và website Hội Nhà văn VN hiện nay.
2. Kế hoạch và chương trình của Ban Đề án đổi mới các cơ quan báo chí và truyền thông của Hội Nhà văn trong thời gian trước mắt và lâu dài.
Hẳn nhiên, để trả lời thấu đáo những câu hỏi như thế thật không dễ dàng gì đối với bất cứ ai, nhất là đối với một người đang giữ nhiều cương vị như anh. Tuy nhiên, như tôi từng nhấn mạnh trong phần kết của Bức thư ngỏ vừa rồi rằng: “Tôi biết, mỗi nhà văn trong Ban chấp hành Hội, dù đảm nhận trọng trách nào, cũng đều luôn ý thức được vinh quang to lớn đi cùng với trách nhiệm nặng nề mà tất cả các hội viên chúng tôi đã tín nhiệm giao phó”. Do vậy, kính mong anh hãy vì công việc chung mà đáp ứng những yêu cầu chính đáng của chúng tôi.
Chúc anh sức khỏe và luôn thành công trên cương vị quan trọng mà nhọc nhằn của mình.
Xin cảm ơn anh!
Mong sớm nhận được sự hồi âm từ anh.
Kính thư
Phạm Quang Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét