Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

NẾU CHỈ ĐỌC TÁC PHẨM TRONG NƯỚC thì khó trở thành nhà văn ở Nhật Bản

P.V.


      Sáng 8-3-2011, tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đã diễn ra buổi thuyết trình về Văn học đương đại Nhật Bản của nhà văn Masatsugu Ono.
Masatsugu Ono ký tặng sách cho bạn đọc Việt Nam
      Masatsugu Ono vừa là nhà văn, đồng thời là nhà lý luận phê bình nên có khả năng khái quát văn học ở nhiều góc độ khác nhau. Mặc dù rất thận trọng, nhưng ông cũng đưa ra nhận định: Haruki Murakami và Kenzaburo Oe (*) là 2 nhà văn có ảnh hưởng nhiều nhất đến nền văn học và các nhà văn Nhật Bản hiện nay. Murakami và Oe có nhiều điểm tương đồng và khác biệt. Thế giới trong tác phẩm của 2 ông có sự đan xen giữa huyền ảo và hiện thực, nhân vật quan trọng thường bị biến mất. Câu chuyện thường được triển khai mang màu sắc giả tưởng, trinh thám… Nếu trước kia văn học Nhật có những bức tường vô hình thì Murakami là người đã phá vỡ bức tường đó cho thế hệ nhà văn đi sau tiếp cận được với văn học thế giới.
      Một cuộc khảo sát ý kiến các nhà văn Nhật bình chọn cho tác phẩm nước ngoài ảnh hưởng mạnh nhất đến giới văn chương trong nước thì kết quả là tác phẩm “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Márquez đứng đầu.
      Dịch thuật cũng là công việc ưa thích đối với nhiều nhà văn Nhật Bản. Trên thế giới không có nước nào dịch thuật nhiều như Nhật Bản. Masatsugu Ono cho rằng, hầu như các nhà văn Nhật đều có một ngoại ngữ để đọc tác phẩm bằng ngôn ngữ gốc. “Một nhà văn chỉ đọc tác phẩm của đồng nghiệp trong nước thì khó mà trở thành một nhà văn” - ông nói.
      Về tình hình xuất bản sách văn học, Ono cho biết: số lượng sách được xuất bản nhiều như trường hợp “Rừng Nauy” của Murakami Haruki chỉ là hiện tượng hiếm hoi, không phải nhà văn nào ở đất nước mặt trời mọc cũng may mắn được như vậy. Thực tế là, một tác phẩm văn học xuất bản trung bình cũng chỉ đạt 3000 – 4000 cuốn/lần. Còn xuất bản thơ thì tương tự như ở Việt Nam, tác giả muốn in thì phải tự bỏ tiền ra.
      Độc giả Nhật Bản tập trung chủ yêu ở đô thị. Các cuốn sách được quan tâm và bán chạy là văn học giải trí, hướng đến đại chúng. Những tác phẩm như “Rừng Nauy”, độc giả trẻ giờ ít quan tâm, chỉ có nhà văn thế hệ trước hoặc cùng với Masatsugu Ono (sinh năm 1970) đọc và tìm hiểu.
      Trong phần giao lưu, nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị có hỏi vấn đề tình dục trong tác phẩm “Rừng Nauy” được giới trẻ Việt Nam quan tâm, còn ở Nhật thì sao? Masatsugu Ono hỏi lại: “Ông nhìn nhận vấn đề tình dục trong Rừng Nauy như thế nào”. Lê Thành Nghị: “Tôi đọc Rừng Nauy và để ý đến điều khác, chứ không phải tình dục. Tình dục với tôi qua lâu rồi…”. Ono: “Ở Nhật thì tình dục trong Rừng Nauy không có gì quá đáng, đó là thứ được miêu tả đẹp”.
      Nhà văn ở Nhật khi sáng tác không bị giới hạn những đề tài nhạy cảm. Trong khoảng 5 năm gần đây, đã có 48 tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch tại Việt Nam. Còn Nhật Bản thì dường như chỉ biết đến “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh.              
                                                                                                P.V tại Hà Nội

(*) :  Haruki Murakami những năm gần đây rất nổi đình nổi đám ở Việt Nam, với nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Việt: Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Phía nam biên giới phía tây mặt trời, Rừng Nauy… Ông sinh năm 1949 tại Kyoto. Sách của ông đã được dịch ra gần 20 thứ tiếng trên thế giới. Ông cũng là người dịch ra tiếng Nhật nhiều tác phẩm của F.S. Fitzgerald, T. Capote, J. Irving và R. Carver.
           Kenzaburo Oe, sinh năm 1935 tại Shikoku, có lẽ được ít bạn đọc Việt Nam biết đến hơn, mặc dù ông đoạt giải Nobel văn chương năm 1994 (nhà văn Nhật thứ 2 đoạt giải này, sau Yasunari Kawabata được tôn vinh năm 1968) và nhiều giải thưởng danh giá tại Nhật. Sách của ông dịch ra tiếng Việt còn rất ít, cho đến nay, người viết mấy dòng này mới chỉ được đọc cuốn “Một nỗi đau riêng” (Nxb Văn nghệ T.P. HCM, 1997).
                                                                                    (Ghi chú của T.Đ.T) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét