Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

"CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ"...

VĨNH QUYÊN


Mình nghe ca khúc này lần đầu tiên cách đây hơn 30 năm, khi ấy mình nhớ là mới học lớp 11. Lúc ấy chú Bình vừa xuất ngũ sau 11 năm ở chiến trường. Về nhà chưa xin được việc ngay, suốt ngày ông chú nghêu ngao hát vang nhà với cây đàn ghi ta gỗ. Mình và thằng em trai cứ bám ông chú để học lỏm các bài hát. Hồi đó đâu đã có băng, đĩa, sách nhạc như bây giờ.


Không hiểu sao chú Bình thuộc nhiều bài hát thế. Toàn là những bài “đỉnh” mà một hai năm sau trở thành “hot” ở Hà Nội như: Trị An âm vang mùa xuân, Tạm biệt chim én,  Mặt trời bé con, Em ở nông trường em ra biên giới... Những bài hát của chú Bình đã đi cùng mấy chị em mình cả một thời thơ bé. Chú Bình người thấp, nhỏ nhưng giọng hát lại rất khoẻ. Nhà mình hồi đấy còn ở Cầu Gỗ - một cái nhà cổ dài dằng dặc. Sự xuất hiện của ông chú sau rất nhiều năm trận mạc trở về có cái gì đó hơi khập khiễng so với khung cảnh. Nhưng bây giờ mình mới nghĩ thế chứ hồi đó suốt ngày chỉ nịnh ông chú hát. Nhất là những buổi tối mất điện mấy chú cháu rải chiếu ra vỉa hè trước cửa ngồi đàn hát. Bọn choai choai hàng xóm cũng kéo nhau ra nghe. Chú Bình hát rất máu, có những đoạn lên cao vút mà chú vẫn lên được. Chú vừa hát vừa đánh ghi ta. Chú bảo hồi ở đơn vị lúc hoà bình rồi, những lúc rảnh bọn tao toàn đàn hát, rồi hội diễn các kiểu đấy. Oách ra phết. Xong chú lại hát. Bọn choai lác cả mắt. Mà ông chú thuộc nhiều bài thật, đặc biệt là những bài của Phạm Duy - lúc đấy còn khá xa lạ với gu âm nhạc của người miền Bắc. Nhờ chú Bình mà thời ấy chị em mình đã được nghe “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ”…, rồi “Ông giăng xuống chơi cây cau thì cây cau sẽ cho mo, ông giăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút”, và cả “Nàng có ba người anh đi bộ đội, những em nàng còn em chưa biết nói, tóc nàng hãy còn xanh. Tôi người vệ quốc quân yêu nàng như tình yêu em gái...” Mấy đứa cứ nghe rồi chép ra giấy học nhẩm theo. Nhà mình cũng lạ, tất cả đàn ông trong nhà, các ông bác, ông chú, bố mình đều biết chơi ghi ta và hát khá hay. Thằng em mình hồi đấy cũng tập tọe ghi ta và hát những bài học được của chú Bình. Còn mình, mình mang những bài ấy đến lớp dạy lại cho mấy đứa. Đứa nào cũng sướng mê tơi.
Mình còn nhớ lúc chú Bình hát “phố núi cao phố núi đầy sương /phố núi cây xanh trời thấp thật buồn /anh khách lạ đi lên đi xuống /may mà có em đời còn dễ thương”, mình đang giặt quần áo ở dưới nhà, tự dưng thấy bài hát ngộ ngộ, mình leo lên gác bảo chú hát lại bài này đi, nghe lạ quá. Thế là chú Bình dạo ghi ta tưng tưng tưng tưng và hát: em Pleiku má đỏ môi hồng/ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông /nên mắt em ướt và tóc em ướt /da em mềm như mây chiều trong. Hồi đó đâu có biết chính xác tên bài này, mà cũng không biết là của Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định. Chú Bình bảo tao không nhớ là bài gì, một lần ngồi nhậu trước khi tao xuất ngũ ra Bắc, có một thằng là bạn của một thằng trong đám nhậu, nghe nói thằng này hồi trước là ngụy, thằng cha ấy hát bài này. Tao thấy hay quá nên nhờ nó chép lại cho. Sau này, có internet mình mới biết đấy là bản nhạc Phạm Duy phổ bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Định viết năm 1970 khi anh về đây thăm một người em gái nhỏ. Cũng nhờ bác Google mà mình mới biết anh Vũ Hữu Định đã mất năm 1981. Mặc dù không quen anh Định nhưng lúc đọc bài viết về anh ấy mình cũng buồn xỉu đi.
          Lại nói về chuyện đàn hát của chú Bình, bọn mình thì thích mê nhưng người lớn thì hình như không nghĩ thế. Bố mẹ và bác cả cằn nhằn chú Bình: cái thằng này suốt ngày hát hò chẳng chịu đi mà kiếm việc làm.
Khoảng nửa năm sau chú Bình xin được việc ở công ty thuỷ sản. 11 năm trận mạc, chẳng kịp học hành nên chỉ được xếp làm chân vớ vẩn. Công việc lam lũ, chú bớt hát đi, mà có hát thì cũng không hát to như lúc chú mới về nhà nữa. Năm sau chú lấy vợ, rồi vợ chú đẻ hai thằng con. Chú già đi rất nhanh, còn bọn mình cũng lớn lên, lúc ấy bắt đầu có các bản nhạc in xuất bản khá nhiều cùng với cả băng catset nữa nên bọn mình cũng không còn  háo hức nghe chú Bình hát nữa. Sau đó nhà mình chuyển nhà, lâu lâu gặp bác Cả, hỏi chú Bình còn hay hát nữa không, bác bảo độ này tiến bộ rồi, không thấy hát hò gì cả. Thỉnh thoảng bây giờ giỗ tết, mấy chú cháu gặp nhau vẫn nhắc lại chuyện ngày xưa. Cả nhà cười rũ.
Nghĩ cũng lạ, hồi đấy cái gì chui vào đầu là nó nằm lì trong đấy không chịu chui ra nữa. Chẳng bù cho bây giờ cố nhồi nhét mà nhiều cái cứ đọc qua mồm là nó lại chạy ra ngoài mất tiêu. Đang ngồi gõ những dòng này mà mình vẫn nhớ như in cảnh mình và thằng em ngồi hóng chú Bình hát để học ké.
Sáng nay, xuống sân bay Playku, ngồi xe về khách sạn, trời mát dịu mặc dù đang là mùa khô, những con đường uốn lượn của phố núi khiến ký ức đã ngủ quên vụt sống lại. Mình khe khẽ hát phố núi cao phố núi đầy sương /phố núi cây xanh trời thấp thật buồn /anh khách lạ đi lên đi xuống /may mà có em đời còn dễ thương”. Chú lái xe ngạc nhiên: ủa, chị dân Bắc mà cũng biết bài này? Mình chỉ cười không nói gì. Về khách sạn, việc đầu tiên là vào Internet tải bài này do chính Phạm Duy hát, mở cửa sổ phòng, đứng ở bao lơn nhìn ra con phố dài trước mặt. Những ca từ đầu tiên vừa vang lên chợt thấy lòng rưng rưng như vừa gặp người quen cũ.
Gọi điện cho thằng em bảo mày còn nhớ em Playku má đỏ môi hồng không? Nó bảo nhớ chứ sao không, bài này ngày xưa chị em mình hay nghe chú Bình hát mà. Thằng khỉ, hoá ra nó cũng giống như mình, cái gì ngày xưa đã chui vào đầu rồi thì cứ ở lì trong đó! Nhưng mà cũng may, nhờ thế mà hôm nay đến Playku mình mới còn một chút gì để nhớ chứ.

                                                                          Playcu, 24-3-2011
                                                                                   V.Q

Còn một chút gì để nhớ 

VŨ HỮU ĐỊNH


Phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương

Phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng

Em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong

Xin cám ơn thành phố có em
xin cám ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên…

1 nhận xét:

  1. Pleiku tháng 3.2011 của Vĩnh Quyên có khác gì nhiều so với Pleiku tháng 3. 2013 không nhỉ ? Mình cũng vừa từ Pleiku trở về SG sau một chuyến rong chơi gần một tuần với vài ba anh em bạn nhân dịp họ đi thương thảo một việc làm ăn ở đó .

    Thực lạ .. Dù được sinh ra , lớn lên, học hành và làm việc tại SG, một công việc có nhiều cơ hội được đi đây đó , đã được đặt chân lên hầu như khắp các vùng miền của VN, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Hạ Long .. Cà Mau, Kiên Giang .. , đã từng nhiều lần đi từ Âu sang Á .. Dù từ thuở biết yêu đã mơ màng đến một“phố núi cao, phố núi đầy sương ..” và luôn thầm ước có một ngày nào được diện kiến một “ em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông ..” thế nhưng không hiểu sao mãi đến nay, khi tuổi về hưu đã cận kề, mình mới được rủ rê “đi chơi Pleiku một chuyến, anh …!!!”

    Chìu theo ý “thượng khách”, các businessman bỏ ý định đi tàu bay mà tất cả 4 người (kể cả khách) chất lên chiếc Ford Escape rong ruổi suốt hơn chục tiếng đồng hồ từ 8g sáng dọc theo đường 14 đi ngang Bình Dương, Bình Phước, Daknong, Daklak để đến Pleiku khi trời đã tối … Dọc đường, các anh trẻ (dù trẻ nhất cũng đã 45) cứ chọc ghẹo “anh già” khi thấy anh trầm ngâm nhìn cảnh vật hai bên đường :” Ổng đang trở về tuổi hai mươi ..Ổng đang mơ màng được ngồi trò chuyện và cầm tay một em gái Pleiku .. Thôi, khi đến đó, mình tìm cho ổng một em Pleiku tuổi xồn xồn để ổng ngồi tâm sự mà nhớ về những tháng ngày xưa cũ ...”

    Sáng sớm, khi cả bọn còn đang say ngủ, “anh già” một mình lần ra phố xá để thưởng thức cảnh “phố núi đầy sương” nhưng rồi chợt thảng thốt khi nhận ra chẳng có “phố núi cây xanh” nào cả mà chỉ thấy những tòa nhà bê tong, những dảy nhà phố hiện đại, hang quán chen chúc nhau buôn bán tấp nập, những chiếc xe hơi đắt tiền, những chiếc xe gắn máy đời thiệt là mới lạng lách trên những con “phố núi cao” nhưng không còn cao lắm như trong trí tưởng tượng của “anh già” …

    Thôi thì .. “Anh già” tự an ủi bằng cách tìm những “em Pleiku má đỏ môi hồng” để xem môi em đỏ và má em hồng đến đâu nhưng chỉ thấy nhưng đôi má và những đôi môi được giấu kín trong những chiếc khăn bịt mặt .. hệt như những cố gái ở các thành phố lớn . Đương nhiên, cũng không thể tìm được nhưng cô “sơn nữ”vác gùi lang thang trên phố .. Vậy là, Pleiku phố núi trong trí tưởng của “anh già” không hề có một chút dính dáng đến Pleiku phố thị hôm nay …

    Chiều đến .. Khi các businessman trở về từ các cuộc thương thảo đã rủ “anh già” đi nhậu với các đối tác để thưởng thức “hương vị núi rừng Pleiku” . Trước yêu cầu của “anh già mơ mộng” đòi đến một quán ăn “đặt sệt chất Pleiku” , một đối tác trẻ cười hề hề :” Chất Pleiku là chất gì, chú ??? Nó ra làm sao ??” rồi đưa cả bọn đến một quán ăn .. hải sản chở từ Quy Nhơn lên !!!

    Sáng ngày thứ 2, “anh già” muợn một xe gắn máy của một đối tác để một mình đi ra Biển Hồ .. Biển Hồ ít nhiều còn nét hoang sơ bởi nhà nước không cho khai thác du lịch ở đây vì sợ làm ô nhiểm nguồn nước của thành phố .. Dzậy cũng được..

    Buổi chiều … Lai mời nhau đi nhậu .. Trước sự cương quyết của “anh già” không muốn ăn hải sản, cả bọn kéo nhau đến một nhà hang .. Một nhà hang rất to, rất hiện đại và “chất Pleiku “ được tìm thấy là một cái cối xay nước khổng lồ chểm chệ giữa sảnh của nhà hang nhưng không còn hoạt động nữa .. Đối tác lịch sự mời thêm vài em gái Pleiku đến tiếp chuyện các thượng khách .. Khỏi nói cũng biết, “anh già”mơ mộng” thất vọng đến chừng nao !!!

    Trở lại SG vài ngày sau đó với nổi niềm cay đắng . Ôi, Pleiku buồn mơ mộng trong tâm tưởng của tôi đâu rồi ????

    Thành thực xin lổi nếu comment này có làm phiền lòng ai đó vì đã “tàn nhần” cướp đi nét mơ mộng của phố núi ngày xưa của Vũ Hữu Định .. Xin lổi một lần nữa !!!!

    Trả lờiXóa