Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Hỏi tuổi người gặp nạn để... đánh đề

LÊ GIANG


Dường như vụ tai nạn giao thông nào cũng tập trung rất nhiều người hiếu kỳ đến theo dõi vụ việc, bàn tán.
Trong số những người cố gắng chen chúc, xô đẩy để vào được đến hiện trường ấy, có không ít người vào nhìn biển số xe, hỏi xem tuổi của người bị tai nạn để... đánh số đề. Đó là sự vô cảm với nỗi đau của đồng loại.
 
 Mới đây, sự vô cảm của một người đánh số đề trong vụ tai nạn giao thông chết người trên tỉnh lộ 10 (xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM) vào ngày 3-3 làm mọi người xung quanh phẫn nộ. Cụ bà L.T.K.H. (quê Long An) được người cháu trai chở bằng xe máy từ Long An đi TP.HCM, qua khu vực trên thì bị xe container cán tử vong tại chỗ.
Khi người cháu trai cụ H. với gương mặt đau khổ tột cùng bước vào quán mua nhang ra thắp cho bà mình thì bất ngờ một phụ nữ (khoảng 50 tuổi) ngồi trong quán hỏi: “Bà được bao nhiêu tuổi rồi em?”, người cháu thật thà đáp: “Dạ, bà được 77 tuổi”. Người cháu vừa trả lời xong, chưa kịp rời quán để thắp nén nhang cho bà mình thì người phụ nữ buông ra một câu: “Hỏi cho chắc ăn để chiều đánh đề”.
Vừa nghe xong câu nói vô cảm ấy, mọi người ngồi trong quán lúc ấy và cả người cháu đã nhìn người đàn bà với ánh mắt giận dữ. Một thanh niên không kìm được, nói ngay: “Vậy bà năm nay được bao nhiêu rồi, nói cho mọi người biết luôn vì bây giờ bà mà ra đường thì chắc chắn sẽ bị xe cán chết”. Phản ứng của thanh niên ấy tuy không được lễ phép và khá cực đoan nhưng nhiều người đồng tình, trong số ấy có cả tôi.
Ở quê tôi, mỗi khi trong gia đình nào gặp chuyện tang tóc, những người khác trong làng, nhất là tầng lớp thanh niên, luôn ý thức được những gì mình phải làm. Khi hay tin buồn, thanh niên trong làng không ai bảo ai sẽ tự đến gia đình gặp chuyện bất hạnh dọn dẹp mọi thứ, đi thuê mướn rạp, bàn ghế dựng lên, làm những việc nặng nhọc. Đàn ông lớn tuổi sẽ đi mua quan tài, lo tất cả nghi lễ của đám tang. Phụ nữ đến nấu ăn và làm mọi việc không tên khác thay cho gia chủ... Cứ thế, mỗi người một tay cùng chung sức lo chu toàn hậu sự cho người đã khuất. Tôi nghĩ hành động của người dân quê mình chính là sự chia sẻ nỗi đau với gia chủ, và đây cũng là truyền thống cao đẹp giữa tình làng nghĩa xóm với nhau của người VN.
Cho nên, một sự vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, như trường hợp của những người lấy thông tin để đánh đề mà người đàn bà trong quán tôi đã gặp là một điển hình, cần phải nhận sự phẫn nộ để xã hội dần bớt đi sự vô cảm.


                                                                         L.G

Nguồn: tuổi trẻ online
                                                                                           


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét