Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

CHÚ THIỆP

TRẦN ĐỨC TIẾN


          Chú Thiệp mở cái quán cắt tóc ở đầu làng. Quán vắng, thỉnh thoảng mới có khách ghé qua. Có những chiều chú nằm hóng gió rồi ngủ quên trên chiếc ghế dành cho khách.
          Nghe nói hồi còn trẻ chú Thiệp đã từng bôn ba nhiều nơi, đã sống ở mấy thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Không hiểu sao khi có tuổi, chú lại quay về làng. Có lần tôi đến nhà chú, thấy ảnh chú lồng khung kính treo trên tường, đầu chải bi-dăng-tin bóng lộn, com lê cà vạt trông rất oách. Bây giờ lưng chú đã hơi còng, mái tóc bạc quá nửa húi cua. Chỉ riêng đôi mắt là vẫn như hồi trẻ ở trong ảnh: nheo nheo, sáng quắc. Mỗi lần tôi đến cắt tóc, thể nào chú cũng tìm cách lừa lừa tóm lấy con chim tôi rồi bóp nhẹ. Cái khẩu trang che kín nửa mặt chú, chỉ còn thấy đôi mắt nheo nheo ánh lên những tia sáng tinh quái. Xong xuôi cái “thủ tục” nhiêu khê ấy, tôi mới được leo lên ghế - cái ghế đệm êm ái, có thể ngả lưng ra sau và quay tròn.
          Nhưng ở làng tôi không chỉ có một mình chú Thiệp hành nghề cắt tóc. Còn có một người nữa ở nơi khác đến, đó là lão cắt tóc dạo. Lão có cái lưng gù gù. Lưng áo lão lúc nào cũng âm ẩm trắng một mảng mồ hôi muối. Lão thường xuất hiện vào buổi trưa đến lúc xế chiều. Đồ nghề của lão rất giản tiện: một cái ghế vải bạt con con có thể gấp lại được và một hòm gỗ xách tay. Lão luồn lách vào từng lối ngõ sâu hun hút. “Tóc đê, tóc đê”! Giọng rao khàn đục của người mắc bệnh ho khan vì hít phải tóc vụn. Bờ ao, bụi tre, gốc sung… Bất kể chỗ nào lão cũng có thể hạ chiếc ghế và cái hòm gỗ xuống để hành nghề. Cắt tóc ở quán chú Thiệp còn có kiểu nọ kiểu kia, mỗi kiểu một giá tiền. Cắt ở lão cắt tóc dạo, người lớn hay trẻ con đều trả hai hào. Lão chỉ việc dúi cho mấy đường tông-đơ là xung quanh đầu nhẵn thui lủi. Cạo mặt xong, lão xịt lên tóc ít nước đựng trong chiếc bình sắt mạ kền đã tróc vảy, có chiếc vòi nối liền với một quả bóng cao su dùng để bóp cho nước xịt ra. Thứ nước ấy vừa thơm thơm vừa hôi hôi. Xịt nước xong lão lấy lược chải, rồi vẩy vẩy lược cho khô nước.
          Nhiều người thích làm khách của lão thợ cắt tóc dạo hơn là ra quán chú Thiệp. Vừa rẻ lại vừa tiện. Thế là giữa lão và chú Thiệp nảy sinh một cuộc cạnh tranh ngầm, và phần thắng đang có phần nghiêng về lão.
           Hôm đó tôi ra quán chú Thiệp, thấy cửa quán khép hờ. Tưởng chú ngủ quên, tôi thò đầu vào thì chú đang chúi mũi vào một cái hộp sắt tây tròn tròn như hộp đựng thuốc lào, mồ hôi loáng ướt trên vầng trán cao nhẵn bóng. Chiếc áo blu màu cháo lòng của chú khoác trên lưng ghế. Loay hoay một hồi, chú áp cái hộp lên tai, mắt ánh lên những tia sáng lạ lùng. Chú vẫy tôi đến gần, không sờ chim như mọi lần mà đưa cho cái hộp. Tôi cũng tò mò áp hộp lên tai như chú. Từ trong chiếc hộp con con ấy vẳng ra tiếng nhạc liu riu như dế kêu. Rồi tiếng người nói nhí nháu rất lạ. Những âm thanh ấy văng vẳng như vọng đến từ nơi nào xa thẳm. Chú Thiệp chăm chú nhìn tôi, những nếp nhăn trên mặt chú dần dần giãn ra, hoan hỉ. Chú chỉ tôi xem mấy sợi dây đồng nhỏ xíu gắn vào chiếc hộp, nối lên tường, bò ra ngoài. Rồi kéo tay tôi ra sân, chỉ lên cái sào cao vút được cột chặt vào ngọn cây nhãn. Hoá ra sợi dây đồng được nối liền từ hộp lên tận ngọn sào.
          Gió thổi qua, ngọn sào đung đưa.
          Những âm thanh trong chiếc hộp cũng đung đưa theo.
          Chú Thiệp bảo tôi: đây là chiếc máy ga-len do chú tự chế, dùng để nghe đài phát thanh. Chiếc máy ấy có thể thu được tiếng người, tiếng nhạc phát ra từ một nơi rất xa, xa hàng trăm, hàng ngàn cây số.
          Tôi nhìn ngọn sào cao vút. Hẳn nhiên đây là chuyện thần kỳ nhất của làng tôi từ xưa đến nay.
                                                                 *
                                                              *    *

          Chú Thiệp nổi tiếng khắp vùng nhờ cái máy ga-len. Người đến quán chú để cắt tóc đông dần, vừa cắt vừa nghe đài. Mỗi người chỉ được nghe thử chừng dăm phút, trong khi những người khác xếp hàng ngồi đợi. Nghe xong lại quay ra bình phẩm những điều nghe được qua cái “hộp thuốc lào”. Bọn trẻ con chúng tôi cũng phải xếp hàng. Chờ được đến lượt mình thì cái hộp đã nóng hổi. Những âm thanh lí nhí phát ra từ nó bị tiếng cười, tiếng nói bên ngoài át đi. Tôi cóc nghe thấy gì, nhưng vẫn làm ra vẻ hài lòng, gật gật đầu khi có người hỏi.
          Chú Thiệp không chịu dừng ở đấy. Nghe đài mà phải xếp hàng như thế thật bất tiện. Chú phải cải tiến cái máy ga-len, làm sao cho tiếng phát ra to hơn, không cần phải áp tai vào cái hộp nữa. Nghĩ là làm. Chú Thiệp đóng cửa quán, nghỉ hẳn ở nhà lo việc cải tiến.
          Dường như chỉ đợi có thế, lão cắt tóc dạo liền tăng cường hoạt động. Không cần đợi đến trưa, lão xuất hiện ở làng tôi từ nửa buổi. Trưa rặt mới thấy lão ra gốc nhãn sau đình, ngả mũ, bẻ nắm cơm ra nhai, thỉnh thoảng lại chiêu một ngụm nước vối trong cái bi-đông sắt. Đồ nghề của lão có thêm chiếc chổi lông để quệt bọt xà phòng trước khi cạo râu, và chùm móc đồng lấy ráy tai. Chỉ lấy ráy tai mới tính thêm năm xu, còn xà phòng cạo râu miễn phí. Thỉnh thoảng nổi hứng lên, lão còn “chiêu đãi” khách bằng màn chắp hai bàn tay vào nhau rồi đập lốp bốp lên vai, lên lưng khách.
          Nhưng cũng chỉ già nửa tháng thì chú Thiệp mở lại quán. Lần này quán chú còn hút khách hơn nữa. Chú phải luôn tay cắt hết người này đến người khác. Tóc cắt ra vun thành đống ở góc quán. Chú đã cải tiến thành công chiếc máy ga-len. Không còn “hộp thuốc lào”. Thay vào đó là cái hộp gỗ to như quyển sách nhưng dày hơn nhiều. Mặt trước của hộp khoét lỗ tròn bằng miệng chiếc bát ăn cơm. Tiếng nói phát ra từ chỗ đó, đứng cách năm bước cũng nghe rõ. Tôi còn để ý thấy cây sào trên ngọn nhãn cũng biến mất. Chỉ có một đoạn dây trời nối từ hộp gỗ luồn qua vách quán ra đầu hồi.
          Chú Thiệp tuyên bố: sẽ còn cải tiến nữa, đến khi nào tiếng đài phát ra mà người đi đường cũng nghe rõ!
          Như bị dính đòn nốc ao, lão cắt tóc dạo bỗng nhiên biến mất. Người làng tôi rủ nhau ra quán chú Thiệp, vừa cắt tóc vừa nghe đài. Nghe tin tức, nghe ca nhạc miễn phí còn có phần thú vị hơn lấy ráy tai với cạo râu bằng bọt xà phòng.
          Thỉnh thoảng chợt nhớ đến lão cắt tóc dạo, tôi lại hình dung ra tấm lưng gù trắng mồ hôi muối của lão đang lủi thủi trên con đường nắng chang chang. Lão sẽ phải xách hòm đồ nghề đi xa hơn, xa hơn nữa…

                                                                            T.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét