Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT

MAI THÚC LÂN

Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã được báo chí nhiều lần lên tiếng và có cả những cuộc hội thảo về vấn đề này. Nhiều ý kiến rất tâm huyết nêu lên tình trạng xô bồ, lộn xộn trong việc nói, viết tiếng Việt hiện nay đồng thời đề cập những giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, một vấn đề không mới nhưng rất quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng cho đến nay tình hình hầu như vẫn chưa có chuyển biến, thậm chí ngay càng trầm trọng hơn. 
        
1. Thời Pháp thuộc, tiếng Pháp được dạy từ lớp Đồng ấu (cour Enfantin) trở lên. Đến lớp nhì (cour Moyen) thì các bài học (trừ giờ Việt văn) toàn bằng tiếng Pháp nên giới học sinh, sinh viên, công chức sử dụng tiếng Pháp là chuyện thường tình. Nhưng sách, báo tiếng Việt thời đó vẫn rất nghiêm túc, không lai căng tiếng Pháp một cách hổ lốn.
Từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến ngày thống nhất đất nước, Bác Hồ, cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến các nhà lãnh đạo giáo dục, văn hóa, văn nghệ, báo chí… đều rất quan tâm đến việc bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Và vì thế, tiếng Việt được coi trọng, không pha tạp, ngay các giáo trình chuyên khoa ở các trường đại học cũng chỉ sử dụng tiếng Việt.
Nhưng từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, việc giao lưu quốc tế đòi hỏi phải sử dụng tiếng Anh thì đã xuất hiện việc sử dụng tiếng Anh một cách tràn lan trên không ít một số bài báo, trên truyền hình, trên quảng cáo, trên biển hiệu đường phố, trong giao tiếp, ở một số khách sạn, các bảng hướng dẫn cho khách cũng chỉ dùng toàn tiếng Anh chứ không dùng tiếng Việt, mặc dù khách Việt Nam đông hơn khách ngoại quốc đến hai, ba lần.
Thật là khó coi khi đến Nhà khách của một tỉnh miền núi, chả có khách quốc tế nào đến thăm mà cửa ra vào lại đề chữ EXIT to tướng, chứ không đề LỐI RA. Đọc một bài báo, đôi chỗ lại chen vào những từ tiếng Anh mà những từ ấy không phải là không có từ Việt để sử dụng. Hình như đang có một tâm lý, một hội chứng là phải dùng tiếng Anh thì mới oai, mới sang, mới hiện đại!?
2. Nước ta đã hoàn toàn thống nhất gần 40 năm, nhưng việc nói, viết tên các nước, các thủ đô, các thành phố trên thế giới vẫn không thống nhất. Mỗi báo, mỗi đài nói một cách, viết một cách.
Tỷ như: Thủ đô của nước Nga thì có báo viết là Matxcơva, Mạc Tư Khoa, có báo viết là Moscou (tiếng Pháp), có báo viết là Moskva, Moscow (tiếng Anh)… Nước Libăng là từ đã quen dùng thì có báo lại viết là Lebanon, Marốc thì viết là Morocco
Rồi việc phiên âm từ tiếng nước ngoài ra âm Việt cũng không thống nhất. Cho đến nay chỉ có báo Nhân Dân phiên âm các từ nước ngoài, nhưng tờ Thời Nay (phụ bản của báo Nhân Dân) thì vẫn để nguyên như các báo khác.
Trên mạng Internet, ở một số trang web và blog thì việc viết tiếng Việt pha tiếng Anh quá lộn xộn, không còn chú ý đến câu kéo và người đọc. Có ý kiến cho đây là một cách hiện đại hóa tiếng Việt! Nhưng hiện đại kiểu ấy thì chỉ làm hỏng tiếng Việt, làm mất bản sắc tiếng Việt chứ còn đâu sự trong sáng của tiếng Việt. 
3. Vấn đề văn phạm và chính tả trong việc viết tiếng Việt cũng có quá nhiều sai phạm. Trên sách báo, một số phóng viên, biên tập viên hầu như không chú ý đến văn phạm, chính tả nên có nhiều sai sót gây phản cảm cho người đọc.
Trường hợp những người dẫn chương trình truyền hình trong các buổi truyền hình trực tiếp bóng đá, văn nghệ... nói theo kiểu “văn Tây” thì còn có thể chấp nhận được. Nhưng in trên sách báo thì không thể tùy tiện. Đáng tiếc là hiện nay, ngay cả trên những tấm pa nô hướng dẫn trên đường cũng viết theo kiểu Tây “Đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy”! Sao lại không viết “Người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm” cho Việt Nam hơn?
Còn chính tả thì việc lẫn lộn giữa n và l, giữa ch và tr, s và x... hầu như sách báo nào cũng có sai hoặc ít hoặc nhiều. Ngay cả bảng giới thiệu bánh chưng ở Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương cũng viết là bánh trưng; còn vào ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì dòng chữ đánh dấu chỗ đứng cho khối trí thức được viết là Khối chí thức!
Không hiểu đó là vì sự hụt hẫng kiến thức về tiếng Việt hay là do sự thiếu cẩn thận của những người có trách nhiệm.
4. Nước ta hiện nay về mặt Nhà nước có Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thông tin - Du lịch, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học…; về phía xã hội có các Hội Nhà văn, Hội Nhà báo… đều là những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Nhưng đến nay, vấn đề quan trọng này hầu như vẫn bỏ ngỏ. Tại sao không có một cơ quan nào được giao chủ trì mời các cơ quan hữu quan ngồi lại với nhau để thảo luận thống nhất ra một quy định hướng dẫn việc sử dụng các từ chỉ tên các nước, các vùng lãnh thổ, các thành phố lớn trên thế giới: tên nào đã được Việt hóa như Ba Lan, Thụy Điển, Nga, Pháp, Anh… thì dùng tiếng Việt, tên nào phải dùng tiếng nước ngoài thì dùng tiếng Anh chẳng hạn; quy định việc các báo thống nhất trong  phiên âm hay không phiên âm tiếng nước ngoài.
Cần quan tâm chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa việc sử dụng tiếng Anh trong quảng cáo, trong việc đặt tên các khu nghỉ dưỡng, du lịch, biển hiệu; việc phải dùng tiếng Việt song song với tiếng Anh trong các bảng hướng dẫn du khách ở các khách sạn. Phải chú trọng hơn nữa việc dạy tiếng Việt (cả chính tả và văn phạm) cho học sinh từ bậc tiểu học; yêu cầu các biên tập viên các báo, các nhà xuất bản phải hết sức chú ý sửa chữa các sai phạm về chính tả trong sách, báo trước khi đưa in.
Và Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên ra một Luật hay Pháp lệnh quy định chặt chẽ về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vì nó cũng quan trọng không kém việc bảo vệ môi trường.

                                                                                                                    M.T.L

Nguồn: Tạp chí Hồn Việt

1 nhận xét:

  1. ĐỘI MŨ BẢO HIỂM ĐỐI VỚI NGưỜI ĐI (NGỒI TRÊN) XE MÁY: Một kiểu mẫu về sự dốt nát tiếng mẹ đẻ đến mức kinh tởm! KHÔNG CÓ THứ TIỀNG NưỚC NGOÀI NÀO CÓ LỐI NÓI NHư THẾ (nếu là nói đúng) dù Tây hay Tàu.

    Trả lờiXóa