Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

CHIẾC LÁ NHÚT NHÁT

Truyện thiếu nhi

NGUYỄN HIỆP

MỘT

Trước lễ hội hóa trang, tôi phải thức trắng ba đêm liền, hết đi ra đi vào, hết vỗ trán lại nhíu mày, hàng trăm ý tưởng được đưa ra, cuối cùng tôi mới nghĩ tới hình ảnh “mặt nạ” khổng lồ của mình: Chiếc lá xanh. Tôi nghiền ngẫm cả chồng sách về thuật hóa trang: nào là “Nghệ thuật hóa trang nhập môn”, nào “Nghệ thuật hóa trang phương Tây”, “Nghệ thuật hóa trang phương Đông”, nào “Hóa trang hiện đại”, nào “Những thành tựu hoà lẫn hoàn mỹ”, “Thuật bắt chước”, “Thuật im lặng”... Tôi đã pha hàng trăm lọ màu: xanh, đỏ, tím, vàng, lục, lam, da cam, hồng, nâu, xám, tía… cuối cùng chọn lấy màu xanh lục hay còn gọi là chất diệp lục, cái màu vô cùng quan trọng đối với muôn loài cây cỏ vì sắc màu thân thương ấy thu hút năng lượng ánh sáng mặt trời tạo điều kiện cho cây cỏ phát triển.
 
Tôi vẽ hàng chục bảng mẫu: lá nâu khô, lá vàng rụng, lá xanh non, lá quăn queo tơi tả, lá vẹn nguyên mượt mà… cuối cùng chọn ra một chiếc lá cứng cáp sống động nhất, sống động đến từng đoạn gân lá vững chắc trưởng thành, từng phần mép lá tinh tế lượn viền mà không sa vào màu mè thô vụng. Tôi nhoài người ra để vẽ, vừa ăn vừa ngắm nghía tác phẩm, đêm, ngã lưng xuống nghỉ ngơi cũng thao thao thức thức, nhìn, sửa, bỏ đi vẽ lại, có lần khi vẽ xong phần mép lá bị sâu ăn một chút ở lưng trên cùng tôi vắt áo may ô mồ hôi chảy ròng ròng như vừa mắc mưa vậy. Tôi dốc hết sức lực, nhập trọn vẹn tâm hồn mình vào tác phẩm “Chiếc lá xanh”, tôi không hiểu người ta đánh giá ra sao, còn bản thân tôi vậy là có bao nhiêu “lửa” nhiệt huyết, bao nhiêu “máu” nghệ sĩ tôi đã dồn hết cho cuộc chơi này.

HAI
Thật tình tôi đổ công đổ sức ra như vậy vì tôi không muốn bị mọi người đánh giá quá thấp kém, nếu bị như thế chắc chỉ còn một nước độn thổ, người tôi sẽ giật lên từng cơn và gào khóc đến vỡ trời vỡ đất mới thôi. Tôi hình dung đến lúc chú bướm nhỏ bé tôi - Chiếc lá xanh xuất hiện trước cổng lễ hội, thiên hạ sẽ lóa mắt hết, tiếng suýt xoa ngưỡng mộ sẽ vang lên như tiếng mưa rơi, lúc ấy tôi sẽ ngất ngây hạnh phúc, không thể nào tả siết dòng suối hạnh phúc trong veo ngọt lịm sẽ chảy tràn trong tâm hồn tôi.
 Tôi đâu biết rằng kể từ hôm lễ hội chết tiệt ấy, tôi mãi mãi mắc vào trong chính trò chơi của mình. Tôi cứ tưởng đó là chiếc lá đẹp đẽ nhất, an toàn nhất giúp tôi được nể trọng, giúp tôi trốn chạy những lão chim ăn thịt sâu bọ dữ dằn, giúp tôi trốn chạy trong ảo tưởng của chính mình. Có ai ngờ… Quả thật hai tiếng “không ngờ” như một con ma mỉa mai, không, đúng hơn nó là con quỷ quái nhạo báng tinh ranh, cay độc và tàn nhẫn quá sức tưởng tượng đối với một loài bướm tự ti nhút nhát như tôi.
Mùa xuân. Cái ngày trọng đại ấy đã đến. lễ hội hóa trang được tổ chức trong một khu rừng hoa cỏ phong phú nhất. Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi: Vì sao hoa đua nhau khoe sắc, toả hương chưa? Thưa ngay với bạn: Đó là cuộc đua tài thầm lặng để đến một ngày được chọn tham dự lễ hội trọng đại này. Mùi hương hoa khuếch tán vào không khí là phát ra một thứ tín hiệu riêng mình, đêm có loại của đêm, ngày có loại của ngày, ngào ngạt, sực nức nồng nàn có, thoang thoảng, nhẹ lướt, kín đáo có… Thế giới sắc hoa ở đây là một sân khấu hội tụ hết thảy các ngôi sao, có sắc màu trụ lại vững vàng qua ba ngày lễ hội, cũng có sắc vội vàng trườn đến chỉ kịp xuất đầu lộ diện trên sân khấu này một chốc là ngay lập tức phai tàn héo úa (Cuộc đời một bông hoa nghĩ đến là rưng rưng nước mắt)… Không khí lễ hội náo nức là vậy.
 Còn tôi, ở nhà đã ngắm nghía kỹ càng mọi thứ, mọi thứ tưởng chừng đã hoàn hảo, nhưng bước chân tôi càng đến gần khu vực lễ hội, thì tâm hồn càng thất thần bay đi xa lắc xa lơ, có lúc, tôi thấy mình như đang bơi trong mây, trong những đám mây lơ lửng, nhẹ bổng, có lúc, lại thấy mình như đang mang cả khối chì nặng trịch. Tim tôi bắt đầu loạn nhịp, phổi tôi bắt đầu teo cứng lại, mắt tôi bắt đầu nháy lia nháy lịa… Khởi đầu là cha nội Bọ gậy đứng ở cổng thay lời chào tôi bằng một câu bình phẩm mỉa mai hết chỗ nói: - Ô! Chắc kẻ này sẽ lượm giải nhất đây. Ngoài cái kiểu cà thụt cà giật vụng về và sự mắc cỡ xanh mặt, ai mà nhận ra được anh ta chứ. Thật là một lão già lắm chuyện, lão soi mói cứ như xuyên thấu mọi người. Mới bắt đầu mà tôi đã phải kìm nén quá sức, tôi cảm thấy bất lực với lão Bọ gậy mặc đồng phục, rõ ràng lão ta là một thứ rào cản đáng ghét. Tôi trân người lại và lạ lùng từ đó nỗi lo sợ bị chế giễu dâng lên, tràn ngập trong tôi: “Chắc mình đang là trò cười trong mắt mọi người đây”, có một tiếng nói như thế luôn thầm thì bên tai tôi. Sao ai cũng nhìn tôi thế kia? Tôi muốn quay đầu bỏ chạy về nhà, cởi bỏ chiếc “mặt nạ”, đốt xé tất cả đi. Tôi muốn lăn đùng ra giường mà gào thét cho hả cơn xấu hổ.

BA
Nhịp tim tôi tăng nhanh rồi hổn hà hổn hển trong lồng ngực, tôi đưa tay ôm ngực trái, nó đột ngột co thắt như có vòng dây vô hình xiết mạnh, mồ hôi rịn ra, tuôn ra nhớp nháp trong người, tôi muốn bỏ chạy quá đi mất… Nhưng không kịp nữa rồi, tôi đã lọt vào khu trung tâm lễ hội. Luật của lễ hội nghiêm cấm việc bỏ về của bất cứ thành viên nào đã bước chân vào khu trung tâm. Lễ hội hóa trang dành cho những kẻ nhút nhát mở màn bằng một điệu múa quy mô chưa từng thấy: Hàng ngàn, không, phải nói là hàng vạn cánh bướm màu sắc sặc sỡ như từ trên thiên đình có một cánh cửa khổng lồ vừa mở toang và họ, hàng vạn cánh bướm ấy lả tả bay vào trần gian. Thế giới tràn ngập sắc bướm, cánh bướm.
Thế giới được trị vì bởi sắc bướm, cánh bướm. Họ lượn vào khu vực lễ hội làm cho mọi người có cảm giác như chính mình vừa rơi vào một thế giới ão mộng nào đó chứ không phải họ vừa có mặt. Để có được tiết mục độc đáo này, ban tổ chức đã quyết định hy sinh cả khu rừng rậm rạp cây lá ở phía Tây cho bữa ăn trưa của “vũ đoàn đặc biệt”. Cô “em- xi” duyên dáng của lễ hội là một loài bướm phượng hổ nổi tiếng “đi khẽ, nói nhẹ”. Hôm nay, cô chọn tà áo màu xanh rất mộc mạc nhưng tinh tế sang trọng, gì chứ sự khôn ngoan, vừa phải, chừng mực trở thành kỹ năng kỹ xảo thì cô ta có thừa, bướm của những vùng cát nóng không tinh khôn giữ sức như thế có mà “đi đứt”. Tiếng của cô “em-xi” bướm phượng hổ nhỏ nhẹ âm âm vọng vọng trong mic-rô, cảm giác như người chỉnh âm thanh đã để mức ê - cô hơi quá: “Trăm năm…ăăăă…ăm…ăm…. mới có một lần lễ hội… Mục đích… là chọn tác phẩm hóa trang xuất sắc…
Phần thưởng vô cùng cao quý và giá trị… trị... trị…: Những người nhận giải sẽ được mang tác phẩm mãi mãi… mãi mãi trên người… Đó là biểu hiện đẳng cấp cao nhất… Thưa với muôn loài hiện hữu… trên trần gian này! Tôi muốn nhấn mạnh: Mọi thứ sẽ qua đi chỉ có đẳng cấp là mãi mãi… mãi mãi… Tiếng vỗ tay vang động cả núi rừng, những đám mây tản ra vì âm thanh rền động đó. Cơ mặt tôi co mạnh một cái, tôi muốn khóc, mắt nháy liên hồi, mặt tôi lạnh ngắt (chắc là đang tái xanh). Tôi hoàn toàn không muốn bước vào hàng thí sinh, tôi co ro định ngồi thụp xuống né tránh ánh mắt mọi người, nhưng có một động cơ nào đó bên trong cứ thúc giục hai đôi chân tôi bước tới, tôi cứ bước hai bước lại giật lùi một bước.
Các khớp chân tôi run bắn lên khi vị giám khảo hỏi: -Tên tác phẩm là gì? -Cái mà… cái… cái mà… chi… chi… chiếc… lá… á xaaa… anh! Tôi cà lặp cà lăm mở miệng khó khăn. Khi nói xong tên tác phẩm của mình, tôi muốn ngã quỵ xuống, nền đất dưới chân tôi bắt đầu chao nghiêng. Vị giám khảo bướm công bay lượn một vòng quanh tôi. Đôi cánh màu cam của bà ta xòe căng ra để lộ hai đốm mắt giả như đốm ở đuôi công, đôi mắt giả mà như thật ấy trừng trừng dọa nạt hung dữ quá chừng. Tôi co rúm người lại. Bà ta cọ cọ râu vào chiếc lá của tôi rồi buông giọng: -Đẹp lắm! Tôi giật thót người, nói lặp nói liệu theo bà ta: -Đẹp… đẹp… cái mà… lắm… lắm… Bà giám khảo này thật đáng ghét! Sao bà ta nở nhẫn tâm mỉa mai một con bướm yếu đuối như mình chứ?

BỐN
Ban giám khảo đang hội ý trong lùm cây lá hai màu xanh nâu sum suê kín đáo. Mọi giác quan của tôi dường như căng lên cảnh giác. Tôi lén đưa mắt nhìn những tuyệt tác dự thi trong lễ hội: Một nùi gai nhọn hoắc đang bồn chồn đi đi vòng quanh. Một bó củi cao khều đang cố biểu diễn những động tác nghiêng ngửa. Một anh bọ cánh cứng đã vẽ thêm đôi mắt nâu trong cực kỳ sống động trên lưng mình. Một chị bọ que mang chiếc lá khô quăn queo, tả tơi đạt tới sự hoà lẫn hoàn hảo. Nhóm sâu gai hút nhựa như những cái gai hoa hồng đang đứng đều đặn, bất động trên một khúc cành mang theo.
 Độc đáo nhất là khúc cây gẫy, những vết mực màu nâu nhạt vẽ ở mút cánh khi xếp lại y chang như khúc đầu cành gẫy, đó là tác phẩm của con Ngài học cùng lớp với tôi… Tôi thán phục họ bao nhiêu tôi càng thấy tác phẩm của mình tệ lậu bấy nhiêu. Mọi người bắt đầu xì xào. Sao nhiều cặp mắt nhìn vào tôi thế? Thôi rồi! Mình đã đích thị thành trò hề của thiên hạ rồi. Tôi thật sự run sợ như thấy một con chim ăn sâu bướm đang xà xuống sát bên mình. Tôi co mình lại chút nữa, hai đôi chân đơ ra bất động. Tôi biết mình rồi cả đời chẳng làm được trò trống gì, tôi biết chứ, nhưng họ nhẫn tâm nhạo báng tôi như vậy thật là quá đáng, lòng tự ái của tôi như đang sôi lên trong bụng.

NĂM
Ngay lúc đó, giọng cô “em- xi” phượng hổ lại rền rền, không chói siết nhưng cứ bám riết lấy óc não người ta: - Giải nhất, giải thưởng cao nhất, vinh dự nhất, giải thưởng ai cũng mơ ước đã thuộc về tác phẩm Chiếc… lá… xanh!
 Thật chẳng hay ho gì khi cả lễ hội lại hùa nhau nhạo báng chú bướm bé nhỏ vụng về cà giật cà thụt tội nghiệp này. Cô ta, cái cô phượng hổ - sa mạc ấy, lại còn cố giả giọng ra vẻ trịnh trọng nữa chứ. Mọi người lại còn giả vờ ào tới tặng hoa chúc tụng tôi nữa chứ. Thật là một màn kịch đáng ghét, không thể chịu nổi nữa. Hai đôi chân của tôi tự động quay ngoắt ù té chạy, bên tai tôi còn văng vẳng giọng rền rền nhạo báng của cô “em-xi” phượng hổ đáng trách: - Giải nhất, đó chính là đẳng cấp cao nhất… Đẳng cấp… Ôi! Tôi ghét cái từ “đẳng cấp” ấy quá đi mất, chắc là tôi phải tuyên chiến với nó thôi, ước gì tôi thụi được một cái thật mạnh vào giữa ngực hai cái tiếng nghe mà muốn nổi khùng lên ấy.
 Tôi về đến nhà, các giỏ hoa có đính lời chúc mừng chất ngập trước sân, tôi quá sợ hãi leo lên một cành cây và đứng im, không dám thở mạnh, sợ họ phát hiện ra, tôi đứng im trên cành như những chiếc lá thật sự của bà mẹ thiên nhiên đẻ ra. Cho tới khi kể lại câu chuyện này tôi cũng không biết mình có phải là người đạt đẳng cấp cao nhất không, chỉ biết chắc chắn rằng nỗi sợ lớn nhất đời tôi là sợ bị làm trò cười cho thiên hạ, tôi sợ sự mỉa mai, tôi sợ lắm lắm. Lạ thay, tôi càng nín thở, không dám nhúc nhích sợ bị họ phát hiện, họ lại càng hoan hô, chúc tụng quá chừng, họ cứ tung hô: bướm chiếc lá xanh, kẻ hóa trang giỏi nhất, đẹp nhất, nhất nhất… Thật không thể chịu nổi nữa.

                                                                                                              N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét