Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

NHÀ VĂN GIÀ VÀ 3 NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỨC HẠNH

VŨ TỪ TRANG


Nhà văn Lê Bầu
Bạn bè quý nhà văn Lê Bầu, nói vui, ông như cái đầu tàu già nua cũ kỹ, hồng hộc vận hành để kéo hàng chục toa tàu vợ con ốm yếu qua cơn bĩ cực. Tuy cuộc đời văn nghiệp của ông không được mấy suôn sẻ song trời lại phú cho ông điệu cười thật thoải mái. Hình như lúc nào ông cũng cười thoải mái, cho dù đã từng vướng những điều phiền toái nhất...
Nhà văn Lê Bầu sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhưng vợ con của ông lại trú ngụ ở Thùng Đấu, xóm ven đô của thành phố Bắc Giang. Cả một thời trẻ cho đến khi nhắm mắt nằm xuống, ông gắn bó với Hà Nội. Giữa phố phường Thủ đô ồn ã, ông lặng lẽ và lọ mọ sống một mình.
Ngày ấy, Sở Văn hóa Hà Nội cũng có mấy người viết lách sống lọ mọ như ông. Đấy là một lớp người viết cùng gặp nhiều rắc rối trong nghề viết như ông. Ông không được sống thanh thản, mà lúc nào cũng quần quật viết, dịch, hòng gom góp những đồng nhuận bút ít ỏi về nuôi vợ con. Gia cảnh ông một thời rất túng bấn. Ông là tác giả của trên ba chục cuốn sách, gồm: truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch... Ông từng viết hàng nghìn bài báo, từ phóng sự điều tra, truyện ký, khảo cứu, phỏng vấn, đến những mẩu chuyện vui cười, in khắp các báo lớn nhỏ trong Nam ngoài Bắc. Ông sống bằng nghề viết. Viết để nuôi bản thân, nuôi vợ con và nuôi đàn cháu nội ngoại còn lít nhít cho đến độ trưởng thành.
Tạo hóa lại bắt ông chịu đựng thử thách cho đến phút chót. Ông bị ung thư tủy. Khi phát hiện bạo bệnh thì căn bệnh của ông đã vào giai đoạn cuối. Nói theo cách nói văn hoa, là "Dù đã được gia đình và các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng bệnh trọng, nên ông đã ra đi…".
Ông mất ngày mười ba tháng giêng năm 2009, hưởng thọ bảy mươi tám tuổi. Nguyện vọng của gia đình là được mai táng ông tại quê Bắc Giang, vào ngày rằm tháng giêng. Nhưng ngặt nỗi ngày rằm là Ngày Thơ Việt Nam, nên Hội Nhà văn Việt Nam đành để sáng ngày mười sáu mới tổ chức tang lễ cho ông tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), rồi chuyển cữu ông về quê.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Hoàng Việt Hằng và tôi, theo xe đưa ông về mai táng tại quê ông. Thùng Đấu, xóm nghèo ven thị thuở nào, nay đã thành phường ngoại ô thành phố Bắc Giang.
Chúng tôi gặp bà quả phụ của nhà văn Lê Bầu. Ấy là người đàn bà giản dị, phúc hậu, còn đậm nét người phụ nữ nông thôn. Nghe nói bà hơn ông hai tuổi. Theo tập tục lấy vợ gả chồng ở nông thôn ngày trước, là chọn tuổi "gái hơn hai, trai hơn một". Bà vận áo cánh gụ, quần đen, khoác ngoài áo xô trắng, chít khăn trắng để tang chồng. Căn nhà cấp bốn thuở nào, mới được xây lại tươm tất. Bà dọn gian nhà chính giữa, đàng hoàng nhất, trang trọng nhất, để rước ông về thờ cúng.
Theo tập tục vùng quê Bắc Giang, cũng như nhiều quê khác, người chết ngoài nhà thì  không đưa xác vào trong nhà thờ cúng, vì sợ trùng tang và gây vận đen cho con cháu sau này. Vậy mà bà đã quyết sửa sang gian nhà trang trọng nhất để đưa linh cữu ông về thờ cúng, lo tang. Bà khóc giàn giụa, nom miệng như cười mếu. Có lẽ bà mãn nguyện vì được lo tang cho ông. "Ông nhà tôi vất vả cả đời. Thôi thì thế nào cũng xin các ông các bà cho mẹ con tôi được rước ông nhà tôi vào nhà. Xin để ông nhà tôi được ngủ thêm một đêm trong căn nhà này, rồi hôm sau hãy đưa ông ra đồng!".
Sinh thời, ông đã lao động hết mình với con chữ, để nuôi vợ nuôi con. Có lẽ chưa bao giờ ông ngồi đọc cho bà nghe một trang văn mình viết. Vả lại, tâm trí bà cũng chả hiểu ông viết về cái gì, viết để làm gì; ngoài ý nghĩ giản dị là ông viết văn lấy tiền nuôi vợ con. Vì thế, bà cũng chỉ có niềm hạnh phúc giản dị của người phụ nữ nông thôn, là đi làm vợ, để đẻ một đàn con cho chồng và sống được lo tang cho chồng. Tập tục quê bà, người chết được ở nhà thêm một đêm cuối, được làm lễ quay cữu vào lúc nửa đêm, thì linh hồn mới thanh thản siêu thoát về cõi trời. Mọi người khuyên gàn bà không nên để linh cữu chồng bà thêm đêm nữa. Làm như thế trái quy định của phường xóm về vệ sinh ma chay. Bà chấp tay cúi lạy mọi người, nếu không được để ông qua đêm, thì xin để qua giờ ngọ, để làm lễ quay cữu cho ông, coi như ông đã được ngủ ở nhà thêm một đêm nữa rồi. Tấm lòng mộc mạc và giản dị của người vợ dành cho người chồng, làm chúng tôi cảm động ứa nước mắt. Mọi người trong đám tang đã đồng nhất chấp thuận nghĩa cử của bà - người vợ già với phút cuối cùng của một nhà văn già.
Cũng trong đám tang, chúng tôi được thấy một người phụ nữ tóc bạc, nhỏ thó, tuổi ngoại bảy mươi, xăm xắn chạy chỗ này chỗ kia lo công việc. Xem ra, mỗi việc làm của bà đều được những người con gái của nhà văn Lê Bầu răm rắp làm theo. Sau phút làm lễ quay cữu vào lúc giữa ngọ, bà lại xăm xắn cùng người con gái của nhà văn Lê Bầu mang hương và đồ lễ lên chùa gần đó, làm lễ cầu siêu cho nhà văn.
Những ngày ông nằm trong bệnh viện, bà xăm xắn chạy đi chạy lại lo cho ông. Lúc lấy kết quả xét nghiệm, lúc đẩy xe đưa ông đi tiêm, đi chụp chiếu. Khi ông nằm ngủ mê man, bà lặng lẽ giở chiếc giường gập nhỏ bé nằm khiêm nhường bên cạnh. Bà chăm cho ông một phút cựa mình, một tiếng ho, hoặc đổ bô, hoặc thay đồ cho ông. Có bà, các con ông như cũng được yên tâm bao phần. Hỏi chuyện mới vỡ lẽ, nhà bà tận dưới thành phố Hải Phòng. Cứ cách ngày, bà lại lặng lẽ xách làn đồ ăn thức đựng đi ôtô khách lên Hà Nội chăm  ông. Gia đình bà dưới đó cũng khá giả, con cháu thành đạt và đã yên bề gia thất. Biết nhà văn Lê Bầu trọng bệnh không qua khỏi, những ngày cuối của ông, bà càng muốn dành hết cả tâm sức để chăm nom ông.
Mãi rồi tôi mới biết, bà biết ông và quý trọng ông cũng vì đọc văn của ông. Có thể với người đọc khác, văn chương của ông chưa phải đỉnh cao chói lọi gì, nhưng với bà, qua các trang văn của ông, đã khơi gợi bao cảm xúc thiêng liêng lạ kỳ cho bà. Chính vậy, những ngày ông ốm nặng, ông đã được hưởng niềm thương cảm và sự chăm sóc chân tình của người đàn bà vốn là người bạn đọc của chính mình.
Còn một người đàn bà khác cũng có liên quan đặc biệt tới cuộc đời của nhà văn Lê Bầu, ấy là một nữ họa sĩ. Mấy chục năm về trước, khi tôi còn làm biên tập ở một tờ báo, tôi đã từng được tiếp xúc với người nữ họa sĩ này tại nhà ông. Dĩ nhiên, khi ấy nhà văn Lê Bầu còn trẻ, nữ họa sĩ còn trẻ. Tôi đã đôi lần loáng thoáng được ngồi nghe họ bàn về vẻ đẹp của bức tranh này hoặc sự sâu sắc trong cuốn sách nọ. Có lần, tôi thấy bà ngồi tẩn mẩn khâu lại gấu quần đã rách của ông, hoặc đơm lại chiếc cúc vừa đứt ở tấm áo ông vừa mặc. Có buổi bà đi chợ mua cho ông mớ rau, con cá, mấy quả trứng. Ông thì ngồi chăm chú mổ cò máy chữ, dịch sách. Bà cặm cụi bắc bếp vo gạo, nấu canh. Cơm sắp chín, bà lại vội vã đạp xe về lo cơm nước gia đình mình.
Tình cảm bình dị ấy đã kéo dài suốt mấy chục năm, từ khi họ còn trẻ cho mãi tới khi lên ông lên bà.
Có lẽ người nữ họa sĩ kia, cuộc sống riêng tư có nhiều uẩn khúc nên đã dành sự quan tâm cho nhà văn như vậy. Quan hệ của họ, hình như cũng chỉ dừng ở chừng mực như vậy thôi. Không có gì quá đà, quá giới hạn. Ấy vậy mà rất bền bỉ và sâu lắng. Đã đôi lần, ông đưa những sáng tác mới của mình cho người nữ họa sĩ kia đọc. Rồi nghe người nữ họa sĩ nêu những nhận xét, góp ý… Ông nghe và lặng lẽ ngồi sửa lại theo lời góp ý chân tình ấy.
Những ngày nhà văn nằm điều trị ở bệnh viện, người nữ họa sĩ kia cũng phải đi điều trị chứng suy tim nặng. Vì không muốn để bà phân tâm, nên người thân của ông đã giấu chưa muốn cho nữ họa sĩ biết ông đang trọng bệnh. Cho tới một bữa, bà biết tin ông nằm cấp cứu ở bệnh viện. Ngay lập tức, bà thuê xe ào tới thăm ông. Bà yếu, mà chạy băng băng cầu thang bộ, không kịp đợi chờ cầu thang máy. Bà đẩy cửa phòng, lao vào ôm chầm lấy ông, trong khi ông đang nằm mê man bất tỉnh. Các dây gen truyền máu, truyền đạm vẫn đang chằng chịt quanh người ông. Sự xuất hiện đột ngột của bà làm người nhà và bác sĩ đang túc trực bên ông hoảng hốt không kịp trở tay. Một bác sĩ trẻ bữa đó phải đứng dậy, gạt phắt bà ra như gạt một người thần kinh. Nếu không nhanh tay, sợ bà ôm xốc ông, làm đứt dây gen đang truyền máu kia, thì tính mạng ông không lường nổi. Khi bị gạt ra, bà càng khóc lóc thảm thiết: "Anh Lê Bầu ơi, sao bệnh tình anh đến mức này? Sao anh giấu em mãi đến giờ? Anh Bầu ơi, có phải em thương anh hơn bất cứ ai trên đời này không?..". Một nhà văn bạn thân của ông đã phải dìu bà ra phòng ngoài, sợ ở đó, cơn đau tim của bà lại đột phát, nguy hiểm đến tính mạng của bà.
Mấy bác sĩ trực trong khoa, khi được nghe kể đầu đuôi ngọn ngành về cuộc đời và các mối quan hệ của nhà văn Lê Bầu, họ nể trọng ông vô cùng. Họ không bình luận, mà chỉ nói rằng, ông là người thật hạnh phúc. Rõ ràng ông đã sống tốt thế nào với mọi người thì mới được hưởng những tình cảm cao đẹp như thế.
Trong chuyến xe về Hà Nội bữa đó, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, người bạn chí cốt của nhà văn Lê Bầu, cùng mấy anh em chúng tôi chỉ nhắc chuyện về ông. Một nhà thơ nữ, tuổi trung niên, phải kêu lên: "Em chịu không hiểu nổi chuyện của các cụ!".
Vâng, nhà văn Lê Bầu sinh thời đã sống như thế nào thì khi ốm đau và phút lâm chung mới được hưởng tình cảm nồng đượm như thế. Tôi muốn nói rằng, nhà văn Lê Bầu đã sống, đã xứng đáng được hưởng những tình cảm chân thành và cao đẹp mà những người thân đã dành cho ông như thế.
Chuyện ba người đàn bà từng gắn bó và ảnh hưởng tới đời sống sáng tạo của nhà văn Lê Bầu, nó như một vĩ thanh đẹp về ông, dành cho ông. Chỉ e, cuộc sống thực dụng bây giờ lấn lướt, biết mấy ai hiểu đúng giá trị câu chuyện này? Phải, có thể nhà thơ nữ kia nói đúng, chịu chuyện của các cụ! Liệu thế hệ trẻ có cho là chuyện vớ vẩn, xa lạ không?

                                                                                                                 V.T.T

Nguồn: cand.com

1 nhận xét:

  1. " Hòn đá lang thang" nổi tiếng một thời của Lê Bầu đâu ? " văn" quan trọng hơn "đời" sao không nói tới ?

    Trả lờiXóa