Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

NHÀ THƠ LÊ ĐẠT VÀ TÀI SỬA VĂN

THÀNH TIẾN


Vào quãng năm 2003 - 2004, khi ấy tôi có viết lời bình về bài thơ Lá diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm. Viết xong tôi thấy run run, sợ sợ thế nào ấy. Nhỡ viết mà không đúng, cụ Hoàng Cầm biết được, mắng cho thì chỉ còn cách đào hố chui xuống đất.

May thay, trong một buổi tọa đàm về sức khỏe tình dục do GS. Đặng Phương Kiệt chủ trì, ông có mời nhà thơ Lê Đạt đến. Nhân lúc thấy người “hẳn hoi” (chữ dùng của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến), nhà thơ Lê Đạt cười một cách rất thoải mái, tôi ngồi bên cạnh nảy ra ý định nhờ ông cụ xem giúp bài viết của mình. Nhưng trong buổi tọa đàm, mọi người đang đăng đàn thảo luận sôi nổi, nên tôi ngần ngại mãi mới dám đặt vấn đề: “ Anh ạ! Em có tí việc này muốn nhờ anh giúp, không biết anh có nhận lời không?”. Nhà thơ Lê Đạt hỏi lại ngay: “Việc gì cậu phải nói xem có làm được không thì mới giúp chứ?”. “Em có viết lời bình ngắn về bài thơ Lá diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm. Em đã viết xong mà cứ thấy thế nào ấy. Em muốn nhờ anh xem lại và sửa giúp.
Ông cụ im lặng một lúc rồi bảo: “Cậu đưa tớ xem”. “Nhưng hôm nay em không mang đây!”. “Thế mai cậu mang đến nhà tớ xem cho nhé”.
Ngày mai tôi phi xe đến. Ông cụ vẫn đang trên gác. Cô con gái nghển cổ lên gọi: “Bố ơi xuống có khách”. Ông cụ leo cầu thang xuống và chỉ tôi ngồi tạm vào chiếc ghế gỗ, còn cụ ngồi lên chồng bản thảo. Vì “phòng khách” của cụ chỉ rộng khoảng 2 mét vuông ở phố cổ, mà toàn là sách chất đống xung quanh, nên chỉ đủ chỗ đặt được duy nhất một chiếc ghế để mời khách ngồi.
Sau vài câu xã giao, tôi lấy trong cặp ra bản thảo bài viết đã đánh máy sẵn đưa vào tay ông cụ. Nhà thơ Lê Đạt nheo nheo mắt trong vài giây, rồi đưa lại cho tôi và bảo: “Cậu đọc đi tớ nghe!”. Tôi lấy giọng đọc từ tốn, rõ ràng. Đọc xong lần thứ nhất, ông cụ bảo đọc lại, rồi đọc lại, đọc lại mãi cho đến khi cụ bảo dừng mới thôi. Cụ rót nước uống, trầm ngâm một hồi rồi nói: “Tớ chỉ thay đúng một từ, nếu cậu đồng ý, thế là xong”.
Nguyên văn đoạn viết của tôi trong bài là: “Câu chuyện về chiếc Lá diêu bông gắn liền với nỗi đam mê thanh cao và trong sáng của Hoàng Cầm. Chiếc Lá diêu bông không chỉ là biểu tượng chung cho những tình yêu đầy trắc ẩn và trái ngang của bao lứa đôi trên thế gian này, mà còn là cội nguồn trong mọi cảm hứng thi ca của chính nhà thơ”.
Nhà thơ Lê Đạt chỉ thay hai chữ “trong sáng” bằng “tục lụy” trong đoạn viết trên. Lúc đầu tôi không hiểu, nên cứ ngồi đực mặt ra. Ông cụ giục: “Cậu thấy thế nào? Nếu không thích thì thôi vậy”. Sợ ông cụ mắng tôi chống chế: “Dạ thưa anh, không phải là em không thích, mà...”.
Đến hôm nay ngẫm lại, tôi phục sát đất hai chữ mà nhà thơ Lê Đạt đã thay cho mình, vì chẳng có từ nào hay hơn từ “tục lụy” đứng ngay sau từ “thanh cao” và được nối với nhau bằng liên từ “mà” khi nói về tình yêu của thi sĩ Hoàng Cầm trong bài thơ Lá diêu bông.  

                                                                                                                       T.T.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

1 nhận xét:

  1. Có người bảo chiếc lá diêu bông là biểu tượng cho cái đẹp nghe thấy thuyết phục hơn là biểu tượng chung cho những tình yêu đầy trắc ẩn và trái ngang, lại còn khái quát thêm lên là cội nguồn trong mọi cảm hứng thi ca của chính nhà thơ. Dù sao thì đấy cũng là một góc nhìn, một cách cảm của tác giả bài viết. Chữ tục lụy của Lê Đạt quá hay! Được ông phu chữ góp ý có khác!

    Trả lờiXóa