Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

NĂM MỚI, NÓI CHUYỆN ĐỔI MỚI TRONG VĂN CHƯƠNG

(Toquoc)- Văn chương không phải là thứ nghệ thuật chạy theo thời sự và thời thượng. Tuy nhiên, trong sự vận động không ngừng của đời sống thì văn chương vẫn đòi hỏi những thay đổi, những cái mới… Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi có dịp trò chuyện với nhà văn Trần Đức Tiến - người vừa được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam quanh chủ đề này.
PV: Chúc mừng ông vừa được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 với tập truyện ngắn “Lỏng và tuột”. Ông có nhận thấy giải thưởng của Hội hai năm 2010, 2011 là “đông vui” không?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Vâng, đúng là đông vui theo nghĩa có già, có trẻ, có nam có nữ, có tiểu thuyết, truyện ngắn, lại có cả truyện ký nữa. Rồi còn đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử, cuộc sống đời thường…
PV: Nhưng trong đó “Lỏng và tuột” của ông cùng vài ba tác phẩm khác được dư luận đánh giá là đã mang đến cho văn chương một không khí mới. Ví dụ như nhà văn Nhật Tuấn đánh giá tác phẩm là “giọng điệu mới của Trần Đức Tiến” và khá bất ngờ khi Hội Nhà văn trao giải vì ít nhiều đã thay đổi quan niệm văn chương. Thậm chí Nhật Tuấn còn cho rằng: “lẽ ra phải tổ chức hội thảo trên báo Văn nghệ để khẳng định giá trị thiệt của nó”. Ông có thể nói thêm về nhận xét ấy không?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Thưa không, bình luận về giải thưởng, xin dành cho người đọc.
PV: Nhiều người cho rằng, yếu tố sex tràn ngập trong tác phẩm của ông. Vậy sex có phải là đề tài không cũ và đáng nhận được sự quan tâm như thế không?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Cảm ơn bạn đã đặt ra một câu hỏi thẳng thắn. Sex chẳng có gì là mới. Thậm chí nó còn là sinh hoạt cổ xưa nhất của con người. Nhưng nó vĩnh viễn là một phần trong đời sống, hơn thế, một phần cực kỳ quan trọng. Tất nhiên là trừ một số ít người kém may mắn vì thiểu năng sex. Vậy văn chương có nên lảng tránh nó không? Xưa nay, tôi chỉ có thói quen lảng tránh những gì mình không biết rõ. Vả lại tôi nghĩ, ở đây rất cần một thái độ nhìn nhận sòng phẳng: sex trong văn của tôi chủ yếu là mục đích hay phương tiện? Và nó được đề cập ở mức độ nào, tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày hay khiến bạn phải khó chịu nhăn mặt lại?
PV: Nhà văn thường quan tâm đến cách viết hơn là đề tài, viết như thế nào quan trọng hơn là viết cái gì. Ông có thấy cần phải đổi mới cách viết không?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Tôi thấy chuyện này liên quan đến quan niệm về tác phẩm nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng. Xin phép được rông dài một chút.
Với tôi, mỗi truyện ngắn, mỗi bài thơ hay một cuốn tiểu thuyết…  giống như một sinh thể. Chúng có đời sống riêng, và mỗi người đọc nhìn ra ở chúng một vẻ đẹp, một ý nghĩa khác nhau. Mức độ hay dở của chúng tuỳ thuộc vào văn hoá, sự trải nghiệm… của mỗi người. Một tác phẩm văn chương mà một trăm người đọc thấy cảm xúc, suy nghĩ… giống nhau cả trăm thì cùng lắm chỉ là một tác phẩm trung bình. Một tác phẩm đọc xong không còn phải nghĩ ngợi, vương vấn gì nữa thì cũng thế nốt.
Nhưng quan trọng hơn là cái tác phẩm - sinh thể ấy phải thật tự nhiên, hồn nhiên. Vặn vẹo câu chữ, vặn vẹo các dấu chấm phảy, xáo trộn không gian thời gian một cách cố ý chắc chắn không phải là sáng tạo. Hay, đẹp một cách tự nhiên mới là sáng tạo đích thực. Vì thế, tôi chỉ cố gắng tìm kiếm một cách viết thích hợp cho từng tác phẩm, chứ không bận tâm xem nó cũ hay mới. Mỗi tác phẩm, nhờ cách viết thích hợp mà trở nên sống động, tự nhiên, thì nhà văn sẽ luôn luôn mới.
PV: Thế theo ông, văn chương của chúng ta hiện nay có nhiều tác phẩm - sinh thể như ông nói không?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Nếu 2 đã là nhiều thì có thể có đấy (cười). Nhưng tôi nghĩ còn nhiều hơn, rất nhiều, các nhà văn cứ đi mãi một con đường mà không biết chán, không tự ý thức được là nó rất chán. Tôi thích các nhà văn dũng cảm, hay liều mạng mở đường mới hơn, dù có khi họ cũng chả đi đến đâu.
PV: Số đó nhiều hay ít?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Ít, rất ít.
PV: Ông định nói trong đó có ông chứ?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Không.
PV: Vậy với những nhà văn dũng cảm mở đường, theo ông, họ cần phải có những điều kiện gì để thành công?
Nhà văn Trần Đức Tiến: Họ phải có sức khoẻ, tiền bạc, kinh nghiệm. Và họ phải âm thầm “cày cuốc” hàng ngày, càng âm thầm càng tốt.
* Cảm ơn nhà văn, chúc ông năm mới có nhiều cái mới mang đến cho văn chương!

                                                           Hà Anh (thực hiện)


Nguồn: toquoc.org (văn học quê nhà)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét