Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

KHI ĐỘC GIẢ LÀ NHÀ VĂN

(Báo Tổ quốc điện tử phỏng vấn mình về chuyện đọc sách từ năm ngoái)

TQ: Đọc và chọn sách - những tác phẩm văn học -  tưởng chừng là chuyện rất đỗi bình thường của nhà văn. Thế nhưng lại có vô số chuyện thú vị đáng bàn, khi nhà văn là người viết ra sách, được tặng sách, mua sách, đọc sách… Để biết khi độc giả là nhà văn khác với các đối tượng độc giả khác như thế nào, chúng tôi có cuộc phỏng vấn nhà văn Trần Đức Tiến.

      Ông đánh giá như thế nào nếu có nhận xét: “Có một số nhà văn, nhà thơ hầu như chả bao giờ đi mua sách nhưng sách vẫn chất đống ngút ngàn trên bàn làm việc từ cơ quan đến giá sách ở nhà. Và lí do bao biện cho cái sự “lười mua sách” là vì ngay cả sách tặng còn chưa hoặc chẳng bao giờ đọc hết”. Hỏi thật cá nhân ông, trong tủ sách của mình có bao nhiêu phần trăm là sách tặng và bao nhiêu phần trăm là sách bỏ tiền ra mua?
      - Nhà văn Trần Đức Tiến: Nhiều nhà văn nhà thơ có nhiều sách. Nhưng bảo đấy toàn là sách người khác tặng thì tôi không tin. Không tin có ông nhà văn nào không mua sách bao giờ. Sách tặng thì có thể chưa hoặc không đọc hết thật, nhưng nhu cầu đọc sách chắc chắn không chỉ giới hạn trong số sách được “cho không biếu không”. Ông nào nói “tôi chỉ đọc sách bạn bè tặng vẫn không hết” là ông ấy bịa, và rất có thể là ông ấy… chẳng đọc ai.
      Trong tủ sách của tôi sách tặng ít lắm. Chủ yếu là sách mua.

      Nếu vào hiệu sách chọn mua, ông có quan tâm hay bị tác động đến các kênh tham khảo như báo chí, bạn bè không? Vì sao?
      - Trần Đức Tiến: Có chứ. Sách bày bán trong cửa hiệu cũng giống như những thứ hàng hoá khác. Đã có người “dùng” trước mình, người ta khen hay, khen tốt thì tội gì mình không thử để mắt đến? Nhưng cứ như kinh nghiệm của riêng tôi thì tỷ lệ nhầm lẫn trong trường hợp này không phải nhỏ. Cũng dễ hiểu thôi: không phải người ta khen lầm, mà vì quan niệm về cái HAY ở mỗi người đọc rất khác nhau. Mọi người dễ thống nhất với nhau khi đánh giá về một đôi giày, cái xe máy hơn là một cuốn sách. Hoá ra ở chỗ này lại thấy: sách vẫn khác với những thứ hàng hoá khác.

      Ông thường chọn mua sách theo tiêu chí gì? Chú ý tên tác giả quen hay quan tâm đến những cái tên lạ, hay bìa sách, tên sách gây tò mò?
      - Trần Đức Tiến:  Tôi chọn mua sách theo tiêu chí HAY, và kế ngay đó là ĐẸP. Quyển sách hay và đẹp mới đáng gọi là một quyển sách. Tên sách, tên tác giả cũng là một gợi ý quan trọng. Có thể là tác giả mình từng đọc và từng thích. Có thể là tác giả chưa đọc, nhưng tên tuổi ấy mình đã nghe từ những “thợ đọc” có thể tin được. Bìa sách thì là một cái gì đó còn hơn cả quan trọng! Giữa một rừng sách như rừng người lạ trong cửa hàng sách, tại sao mình lại nhấc lên quyển này mà không phải quyển kia? Đấy chính là vì cái bìa. Thường thì nhà văn viết sách, còn hoạ sĩ vẽ bìa (nhà văn tự làm bìa sách cho mình cũng có nhưng vô cùng hiếm). Hoạ sĩ giỏi, hành nghề một cách lương thiện thì có thể làm cho hồn sách, hồn người viết sách toát ra bìa. Những quyển sách hay cũng thường là những quyển sách có bìa đẹp.

      Nhưng hình như bìa cuốn sách mới nhất của ông - cuốn “Lỏng và tuột” - không được đẹp lắm?
      - Trần Đức Tiến: Thế mới đau.

      Là nhà văn và chuyên viết văn xuôi, ngoài chọn mua những tác phẩm văn học, ông có quan tâm các loại sách khác không? Hay chỉ khi nào thật sự cần thiết tìm hiểu để phục vụ cho trang viết của mình ông mới cần tìm đến những loại sách khác văn học?
      - Trần Đức Tiến: Việc đọc ảnh hưởng đến việc viết của tôi như thế nào tính sau. Khi đọc sách, tôi cũng chỉ là một người đọc như vô số bạn đọc bình thường khác. Hồi trẻ đọc sách còn ham hố thu lượm, tích cóp kiến thức này nọ. Kiến thức biết thế nào là đủ là thiếu, là đúng là sai? Đủ thì không bao giờ đủ. Đúng hôm nay đến mai lại sai toét. Bây giờ mình đọc sách cốt để thưởng thức, và một trong những cái thú thưởng thức khi đọc sách là nhìn ngắm tâm hồn người khác. Tâm hồn không phải là “món” độc quyền của các các ông, các bà nhà văn. Vì thế, tôi không giới hạn việc đọc của mình trong phạm vi sách văn học. Mà tiện thể ở đây xin nói luôn: có khối cuốn sách “phi văn học” còn thú vị bằng mấy thơ phú, truyện ngắn truyện dài.

      Để chọn và mua sách ông có đặt ra cho mình thời gian bao lâu sẽ mua sách hay cứ khi nào đọc hết sách, không còn sách thì đi mua? Mỗi lần mua sách ông thường bỏ ra bao nhiêu tiền?
      - Trần Đức Tiến: Thỉnh thoảng tôi lại phải làm một cuộc thanh lý cho số sách của mình. Tôi không phải là người quý sách đến mức thượng vàng hạ cám gì cũng giữ khư khư trên giá. “Rác tinh thần” cũng cần phải thải loại. Đấy là những dịp tốt để mình bổ sung những cuốn mới. Bổ sung bao nhiêu thì tuỳ vào kết quả lựa chọn và túi tiền của mình.

      Tôi thường nghe nhiều nhà văn, nhà thơ kể họ có những cách đọc sách khác nhau, và rất khác với độc giả bình thường. Ông có thể chia sẻ cách đọc của mình?
      - Trần Đức Tiến: Tôi đọc sách dành cho trẻ con nhiều ngang với sách dành cho người lớn và thích đọc vài ba cuốn một lúc. Chẳng hạn như lúc này, lúc bạn đang hỏi đây, ở đầu giường tôi là các cuốn: Đối thoại với tương lai của Nguyễn Trần Bạt, Viết của M.Duras, Chuyện con mèo dạy hải âu bay của Luis Sepúlveda, và tập truyện chưởng Tu La đạo của một nữ tác giả Trung Quốc sinh năm 1981. Khó mà bỏ qua những ý kiến thông thái, trung thực và tâm huyết về nhiều lĩnh vực trong cuốn sách của ông Nguyễn Trần Bạt. Chuyện con mèo… làm tôi ngạc nhiên khi thấy người ta viết và viết hay cho thiếu nhi dễ như chơi… Có nhiều cuốn sách hay để đọc một lúc thật sướng.

      Tại sao một cuốn sách hấp dẫn và hay như ông nói lại không có khả năng lôi cuốn ông đọc một mạch hết luôn như nhiều người từng nói “không thể đợi được, không thể chờ được” khi đọc những cuốn sách như vậy?
      - Trần Đức Tiến: Tội gì đọc hết luôn? Đọc cái này mệt thì chuyển sang cái khác thích hơn chứ? Sách hay để dành ăn dè mới thích. Đọc sách cũng như ăn cỗ ấy, mỗi quyển sách hay như một món ngon. Ăn xoay vòng, dần dần mỗi món một ít. Thế chẳng ngon hơn là cứ chén tì tì một món cho đến hết à? Nếu đọc thấy cuốn nào dở thì bỏ không đọc nữa, vứt tạm đâu đó, sau này hết sách mới lôi ra đọc lại. Làm như thế sẽ không bao giờ chán đọc. Ngay cả chỗ tôi nằm đọc sách (tôi không quen đọc ngồi), sách cứ phải xếp hàng cao cao một tí mới yên trí. Và đám sách ở đấy đã được qua “sơ tuyển” rồi.

      Cách đọc sách của ông có giống ai, hay có bị ảnh hưởng từ ai không?
      - Trần Đức Tiến: Làm sao tôi biết trong ti tỉ người đọc sách có người nào đọc giống mình? Ảnh hưởng thì chắc là không. Tự thấy thích đọc như thế thì cứ thế mà đọc. Ảnh hưởng cách viết ở một chừng mực nào đó còn có thể chấp nhận được. Chứ ảnh hưởng cả cái lối đọc sách của người ta thì còn gì để nói nữa?

      Câu châm ngôn về sách mà ông thích?
      - Trần Đức Tiến: - Về sách và cả về việc đọc sách. Tôi không nhớ rõ cụ nào phát biểu, nhưng đại khái là: người quân tử một ngày không đọc sách thì chuyện trò nhạt nhẽo, mặt mũi nhăn nhó khó coi.

                                                                                  H.N
                                                                             (thực hiện)

2 nhận xét:

  1. "Tôi đọc sách... và thích đọc vài ba cuốn một lúc." Thế nếu yêu vài ba cô một lúc thì nhà bác có dám công bố, công khai không nhỉ? Hhe... Chúc bác Tiến sức khỏe và ngày càng có nhiều "lá bùa thiêng" ưu ái đọc sách của bác!

    Trả lờiXóa
  2. Có tuổi rồi mà bác vẫn đọc sách phi thường đến thế thì em chịu. Vả lại lúc này không có mấy kênh đáng tin tưởng cho mình tìm ra thứ đáng đọc giữa rừng rừng sách đủ loại; em là em tiếc cái công bỏ ra đọc sách dở hơi lắm cơ, tức anh ách như bị lừa.Bác đọc nhiều thế mà không cọng tác mục điểm sách cho mấy tờ báo lớn, phí nhỉ!

    Trả lờiXóa