Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

BA TIẾNG CHUÔNG

TRẦN ĐỨC TIẾN


          Ông đứng khiêm tốn phía sau dàn nhạc, trong một góc hơi tối, nhưng vẫn giữ tư thế đĩnh đạc của một nhạc công già. Mái tóc thưa thớt bạc trắng chải lật ra sau. Bộ ria vểnh lên oai phong. Tóm lại, từ bộ quần áo đến dáng đứng, nét mặt, đều toát lên vẻ kiêu hãnh của một người biết rõ vị trí không thể thiếu của mình trong dàn nhạc.
          Bên dưới ông, khoảng rộng mênh mông trong nhà hát đầy ắp người. Những quý ông quý bà ăn mặc lịch sự ngồi nghe chăm chú. Không một tiếng động nhỏ. Người nhạc công già đứng yên. Hai tay ông buông xuôi. Trước mặt, xung quanh ông, tiếng vĩ cầm réo rắt. Kèn đồng lanh lảnh. Trống nhịp nhàng khoan thai. Contrebasse giữ nhịp trầm hùng… Một mình người nhạc công già nghiêm trang như đang chơi thứ âm nhạc vô thanh.
          Thời gian trôi qua. Vĩ cầm tắt dần. Kèn đồng tắt. Trống im tiếng… Cả nhà hát như nín thở. Đúng lúc ấy, người nhạc công già bước lên. Ông nhẹ nhàng gỡ trên giá xuống chiếc dùi chuông mảnh như chiếc đũa. Và, với một cử chỉ thiêng liêng như hành lễ, ông thong thả gõ lên quả chuông nhỏ ba tiếng chuông cách đều nhau.
          Tiếng thứ nhất vô tình dùi chạm vào chuông.  
          Tiếng thứ hai chỉ còn mảnh như tiếng chuông gió.
          Và tiếng thứ ba như gió thoảng.
          Những cây vĩ cầm thức dậy. Kèn đồng thức dậy. Contrebasse ì ầm như tiếng sấm xa. Người nhạc công già lùi về chỗ cũ.
          Hơn một giờ đồng hồ đứng trên sân khấu, ông chỉ gõ đúng ba tiếng chuông. Ba tiếng chuông như một chi tiết không thể thiếu trong một câu chuyện kể. Không có ba tiếng chuông của bậc cao thủ, câu chuyện sẽ đổ gãy. Sẽ không có bản giao hưởng hân hoan trong trái tim của cả nghìn người.

                                                                                           5-3-2012
                                                                                             T.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét