1. Đại hội nhà văn những lần gần đây có món “đặc sản” vỗ tay rất ấn tượng. Đại biểu nào lên đọc tham luận (hoặc phát biểu) mà không hay, không trúng vấn đề đang được đại hội quan tâm là bị nhiều đại biểu khác vỗ tay mời xuống. Có người không tán thành, thậm chí khó chịu vì cái cách bày tỏ thái độ thẳng thừng này, nhưng mình lại thấy được. Thông thường, mỗi đại biểu lên diễn đàn đều được ấn định số thời gian là 10 hay 15 phút gì đó. Nhưng nhiều vị có thói quen nói dài nói dai, nói mà chỉ sợ người nghe không hiểu. Ấy là chưa kể nhiều khi đã dài còn nhạt. Thành thử chỉ được năm, bảy phút là đã bị bên dưới vỗ tay ầm lên rồi. Mình nghĩ: là nhà văn mà nói, hoặc đọc cái mình viết ra đến năm, bảy phút vẫn chưa “lọt” tai người khác thì thôi đi cũng là đích đáng. Thế mà có vị trong bài phát biểu của mình bị vỗ tay năm lần bảy lượt vẫn không chịu rời diễn đàn. Bệnh ham ăn ham nói quả là một thứ bệnh rất khó chữa.
Ở trên mình gọi kiểu vỗ tay ấy là “đặc sản” của đại hội nhà văn, vì ở các đại hội khác không thấy có. Không có, không có nghĩa là “văn hóa” hơn, lịch sự hơn.
2. Lần đầu ngồi máy bay sang một nước châu Âu, tiếng vỗ tay cũng làm mình bất ngờ. Khi máy bay hạ cánh, dừng hẳn trên đường băng, sau lời thông báo và lời chào của phi hành đoàn, tự nhiên mình nghe tiếng vỗ tay rào rào. Phần lớn hành khách trên máy bay là người của cái nước châu Âu ấy. Họ vỗ tay vì chuyến bay an toàn đã đưa họ đi đến nơi về đến chốn, vỗ tay để cảm ơn phi hành đoàn. Mình lại sực nhớ đến các chuyến bay trong nước. Máy bay vừa hạ cánh, còn đang chạy trên đường băng, tiếng lách cách tháo dây an toàn đã vang lên. Rồi hành khách nháo nhào đứng dậy. Người mở khoang lấy hành lý. Người bật điện thoại. Tay xách nách mang, tất cả sẵn sàng tuồn ra cửa. Mà cửa máy bay thì đã mở đâu? Nhưng nếu không ra trước người ngồi bên thì hình như không chịu nổi.
3. Bạn mời mình vào nhà hát opera ở B, thủ đô H. xem ballet. Người đi xem ăn mặc lịch sự đã đành, mà cái cách người ta thưởng thức nghệ thuật cũng khiến mình phải nghĩ. Nói nghĩ, tức là nghĩ về khán giả ở bên mình. Mình không nói ở những sân khấu ngoài trời, quảng trường, ngã ba ngã tư đường, mà nói ngay ở nhà hát lớn Hà Nội. Người vào xem mặc tùy thích. Xách theo cả những thứ ăn vặt. Rồi đến muộn. Rồi xô ghế. Rồi chuyện trò. Rồi chuông điện thoại reo… Còn ở bên họ, cả khán phòng rộng mênh mông im phăng phắc. Đến nỗi, mình nghĩ bụng, vô phúc cho nhà anh nào bị viêm họng hay viêm mũi dị ứng mà đến đây! Nhưng khi kết thúc một tiết mục, hoặc khi nghệ sĩ diễn quá hay, không ai bảo ai, tiếng vỗ tay nổi lên như một trận mưa rào. Đúng như một trận mưa rào, bởi nó tạm lắng xuống ở góc này thì lại ào lên ở góc kia, lúc dồn dập, lúc khoan thai theo nhịp, tùy vào mức tán thưởng của người xem đối với nghệ sĩ. Có nghệ sĩ phải ra chào khán giả đến ba, bốn lượt mà tiếng vỗ tay vẫn chưa dứt.
Khi mình kể chuyện khán giả Tây với một người bạn Hà Nội gốc, ông bảo: ngày xưa khán giả Hà Nội cũng thế đấy, ông ạ!
29-2-2012
T.Đ.T
Bài viết hay quá
Trả lờiXóa