Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

NGHĨ LĂNG QUĂNG SÁNG CHỦ NHẬT

TRẦN ĐỨC TIẾN


          Tắc tị. Truyện ngắn tắc, truyện dài tắc, blog cũng tắc luôn. Mở máy ra ở một đoạn viết dở, ra ghế bố nằm suy nghĩ viết tiếp, thế là thiếp đi mất. Giật mình tỉnh dậy, ngơ ngác không biết mình đang ở chỗ nào. Mãi sau nhìn lên cái đồng hồ treo tường, hình chữ nhật, màu đen, mới nhớ ra là mình đang nằm trong phòng khách nhà mình. Mới lưng lửng buổi sáng. Phố rất tĩnh. Lại có cả tiếng gà gáy bên kia đường. Bà xã nằm “nghiên cứu” mấy tờ báo ở phòng dưới. Nắng soi qua cửa sổ sưởi ấm hai ống chân. Kể cũng khoái.
          1. Hôm rồi xem ti vi thấy có cái phim kể chuyện câu cá ở bên Nhật. Dân Nhật khoái câu cá. Cũng đủ các kiểu câu tương tự bên mình: câu sông, câu suối, câu biển; câu thả phao, câu quăng, câu chùm… Cũng dây ấy, lưỡi ấy, mồi ấy. Nhưng cái cành câu thì hơi lạ. Cành tre, cành trúc nhưng được tỉa tót, chạm hoa văn lên đó rất đẹp. Lạ hơn là cành tre mà cũng có thể tháo rời ra làm nhiều đoạn, mang đi xa cho tiện, lúc câu thì ghép lại với nhau như cành bằng kim loại. Mình khoái nhất khi thấy một anh bụng phệ, tự nuôi lấy cá để câu trong nhà. Cái bể anh ta nuôi cá có lẽ chỉ nhỉnh hơn cái chậu rửa mặt. Ở giữa đặt hòn non bộ bằng cái nắm tay. Những con cá bằng đầu tăm (trong phim gọi là cá cơm), dài chừng 1 – 2 cm. Cá tăm mà ngửa đầu nhìn núi nắm tay thì đương nhiên phải thấy là vĩ đại rồi. Anh chàng bụng phệ cởi trần, ngồi bệt trên sàn cả tiếng đồng hồ, dùng cái cành dài cỡ gang tay, chăm chú câu, thỉnh thoảng nhấc lên được chú cá bé xíu thì cười ngoác miệng, sảng khoái hết cỡ.      
          2. Sau Tết vừa rồi, mình đi Quảng Ninh dự Liên hoan thơ châu Á- Thái Bình Dương lần thứ I. Ấn tượng về liên hoan thì nhiều. Nói chung là rất hoành tráng và vui như tết! Hoành tráng đến mức một nhà thơ Hunggary phát… hoảng! Anh ta nói với người phiên dịch, người này là bạn mình nên kể lại với mình: “Tao thấy Việt Nam chúng mày làm liên hoan to quá, trọng thể quá, thơ tao èng èng, tao sợ, cóc dám lên đọc”!
          Có lẽ hiếm có một anh Tây nào lại mất tinh thần trước các bác Việt Nam như anh này.
          Nhưng anh ta đúng là… cá biệt! Là người Hung mà được mời đến dự liên hoan này đã là cá biệt rồi. Lại còn sợ đọc thơ nữa. Ở liên hoan, thêm một lần mình được chứng nghiệm điều này: đã là nhà thơ thì Tây cũng như ta, nhu cầu được đọc, được xuất bản mồm thơ của mình là rất lớn.  Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, New Zealand, Lào, Campuchia, Indonesia, Mông Cổ, Philippines… thi nhau đọc búa xua. Có những lúc phiên dịch theo không kịp, hoặc phiên dịch kiểu “các nhà thơ quen sống trong tháp ngà” thành “các nhà thơ quen sống trong những tòa lâu đài xây bằng ngà voi”, nhưng các thi hữu bất chấp!
          3. Một cô nhà báo phỏng vấn mình. Trong số các câu hỏi cô ta đưa ra, có một câu đại loại: văn chương có sức cảm hóa rất lớn, trong khi xã hội đang bức xúc nhiều vấn đề; là nhà văn ông quan tâm đến vấn đề nào nhất và ông đã dùng ngòi bút của mình tác động đến nó như thế nào?
          Kinh!
          Mình nghĩ đau cả đầu mà vẫn cắn bút như cậu học trò trước bài toán khó. Chả lẽ lại bảo: tôi ngờ cái khả năng cảm hóa, cải tạo của văn chương lắm; tôi chỉ viết những gì tôi thích viết thôi, không dám nghĩ nó chở được bao nhiêu đạo, đâm được mấy thằng gian đâu! Nhưng ngay lập tức, hình ảnh của mấy bác nhà văn mặt đỏ phừng, râu tóc dựng ngược, bức xúc vì những vấn đề bức xúc nhiều đến mức quên cả viết văn… lại hiện ra, khiến mình co ngay vòi!
          4. Lại nói chuyện bức xúc. Báo chí nhiều lúc bức xúc rất buồn cười. Vụ anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), lúc bị cưỡng chế đểu thì chỉ thấy bức xúc vừa vừa. Báo mạng bức xúc hăng nhất, nhưng nhiều báo mạng “danh không chính”. Còn nhiều tờ báo lớn chọn giải pháp an toàn là đứng ngoài. Mấy tờ dám nói, nhưng có vẻ cũng vừa nói vừa nghe ngóng. Đến lúc Thủ tướng kết luận vụ này sai bét nhè thì tất cả đua nhau ầm lên, thiếu điều hô “Thủ tướng vạn tuế! Vạn vạn tuế!”.
          Ơ hay, việc sai, đáng ầm thì không ầm. Việc đúng (đương nhiên phải đúng) thì lại tốn bao nhiêu giấy mực. Đáng lẽ phải ngược lại chứ? Có phải do dân mình quen sống với những cái trái khoáy, tai ngược quá lâu rồi không?

                                                                                                            Chủ nhật, 19-2-2012
                                                                                                                         T.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét