TRẦN ĐỨC TIẾN
Nghe tin mình đi Hải Phòng về, lão Đối lại sang chơi.
Cả nửa năm vừa rồi lão Đối bận xây nhà nên ít sang nhà mình. Thỉnh thoảng có tạt qua chốc nhát thì cũng chỉ dăm câu ba điều, than phiền kế hoạch xây dựng của lão luôn luôn bị vỡ, chi phí phát sinh ngoài dự kiến đến mấy trăm triệu. Lần này cũng vậy. Mình bảo: cho lão chết, xây lúc nào không xây, lại nhè đúng vào lúc đang bão giá. Lão đần mặt hồi lâu rồi lẩm bẩm: “Mẹ! Xây nhà cũng giống như cậu viết văn, hứng lên là làm ngay. Bão cũng làm, giống như cậu nhịn đói cũng viết. Để mất hứng mới làm thì còn ra cái cứt gì? Mà cậu viết văn có nhiều lúc hứng. Còn tớ cả đời chỉ được hứng một lần thôi”.
Rồi lão quay sang hỏi:
- Thôi không nói chuyện nhà nữa. Cậu đi Hải Phòng có gì vui không?
- Tôi đi dự hội thảo thơ của hai nhà thơ nổi tiếng.
Lão Đối gãi đầu:
- Văn xuôi tớ còn hiểu bập bõm. Chứ thơ tớ dốt. Nhưng trong hai ông ấy, tớ thấy nhiều người thuộc thơ của cái ông hay nhắc đến rơm rạ, gió đông, cơn giông, chuông chùa…
- Vậy thì gọi là ông Chuông Chùa. Ông ấy mất rồi.
- Tiếc.
- Thế còn ông kia?
- Ông kia tớ có đọc. Nhưng đọc ông này cứ có cảm giác mình phải kiễng chân, với cao lên mà vẫn chưa tới.
- Vậy thì gọi là ông Với Chưa Tới. Ông này là một trong số ít các nhà thơ cách tân hiện nay đấy.
- Cậu có ủng hộ cách tân không?
Mình cười nụ:
- Bác biết thừa còn hỏi.
- Hì hì. Tại cái thằng kiến trúc sư vẽ nhà cho tới. Tự nhiên tớ nhớ ra nó. Nó bảo: nhà của bác muốn đẹp phải khác với những nhà ở xung quanh! Nếu bác chịu chơi, tôi có thể thiết kế cho bác ngôi nhà ở dưới nhỏ, ở trên phình to ra như cái nấm! Tớ hỏi: như cái bảo tàng Hà Nội mới khánh thành ấy à? Nó bảo: đại loại thế. Tớ bảo: con chắp tay lạy bố, đất nhà con chỉ có hạn, bố vẽ ở trên phình ra thế thì đâm mẹ nó sang nhà hàng xóm. Tóm lại, theo tớ, cách tân gì thì cách tân, phải dựa trên cái nền tảng thực của mình.
- Bác nói đúng. Tôi nghĩ cái ông Với Chưa Tới ấy có nền tảng để cách tân.
- Thế thì tớ ủng hộ. Tớ chỉ băn khoăn một điều: người ta bảo muốn hiểu được cái hay trong thơ ông này, phải biết giải mã, hay phải có chìa khóa để mở… Có phức tạp quá không?
- Chả có gì phức tạp cả. Muốn thưởng thức nghệ thuật cũng phải có trình độ chứ? Nói “giải mã” hay “chìa khóa” chẳng qua là muốn nói đến sự từng trải, sự hiểu biết, kiến thức… và cả cái gu của người đọc.
- Đồng ý. Nhưng hình như những người có “chìa khóa” để mở được thơ của ông Với Chưa Tới hơi bị ít. Nói cách khác, còn rất nhiều người phải đứng ngoài “ngôi nhà thơ” của ông. Đứng ngoài chán sợ người ta bỏ đi mất. Theo tớ, cách tân thế nào mà nhiều người vẫn muốn vào, và vào được, rồi có người chỉ ngồi ở phòng khách, có người vào sâu hơn đến phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, toilet, lên đến cả tầng thượng nữa… Như thế thích hơn chứ?
- Như thế thì lý tưởng.
Lão Đối trầm ngâm giây lát:
- Khó. Công nhận. Thế cho nên các bố mới cãi nhau ì xèo trên mạng. Người cổ vũ ông Với Chưa Tới. Người lại bảo ông đi lạc đường, rồi khuyên ông quay trở lại, tức là quay về cái thời ông ấy viết những bài thơ kiểu “rung động đầu đời” (*)!
- Thế bố già thấy cái ý kiến sau thế nào?
- Tớ thấy nó có mùi xác chết - Lão Đối phang một câu khiến mình sững sờ - Làm thơ là sáng tạo. Mà bản chất của sáng tạo là mới. Mới có thể chưa hay, nhưng không có ý thức làm mới, không chịu làm mới thì viết làm đếch gì. Tớ thấy cái thằng khuyên câu ấy cũng có vẻ là dân thơ chuyện nghiệp đấy. Nhưng chắc thơ cu cậu chết ngoẻo từ lâu rồi…
29-5-2011
T.Đ.T
------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Mượn chữ dùng của bạn LVT trên mạng.
------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Mượn chữ dùng của bạn LVT trên mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét