Tại cuộc tọa đàm tối 31-3-2011 ở Trung tâm Văn hóa Pháp, bạn bè, đồng nghiệp, khán giả đã dành gần 3 tiếng đồng hồ để nói về thơ và con người Lê Đạt.
Nhà thơ LÊ ĐẠT |
“Chúng ta lại có dịp sửng sốt, kinh ngạc, thán phục những gì Lê Đạt để lại cho đời… Lê Đạt đánh cược cả đời vào mấy tên gọi Bóng chữ, Đường chữ” - Phạm Xuân Nguyên mở lời cho ăm ắp lời bình về Lê Đạt. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy luôn đặt nhà thơ Trần Dần cạnh người bạn Lê Đạt, để thấy chuyển biến về ngôn ngữ, đặc biệt là những tìm tòi chữ, tầng chữ.
“Cuộc cách mạng ngôn ngữ thơ có được sau thời kỳ Nhân văn giai phẩm, do các ông cách li với xã hội, rơi vào sự cô đơn, dồn tới một là cách mạng hai là chết”, ông Đỗ Lai Thúy nhắc đến căn nguyên tìm tòi ở Lê Đạt.
Ông Đỗ Lai Thúy cho rằng, chính kiểu sáng tạo độc đáo này của Lê Đạt khiến những ai đọc ông bằng hệ hình thơ cũ sẽ thấy thơ Lê Đạt không mới, nặng về kỹ thuật. Từ đó hiểu nhầm danh hiệu tự phong phu chữ của nhà thơ, mà không hiểu rằng kỹ thuật đó không phải là thủ công hoặc cơ giới mà kỹ thuật của công nghệ cao, kỹ thuật gien, của thời đại tin học. Kĩ thuật ấy không ở bàn tay, khối óc mà ở sự minh thông.
Nhà thơ Dương Tường- bạn thân của Lê Đạt: “Thơ Lê Đạt phá vỡ sự liên tục, chúng tôi vẫn bàn với nhau trong cách tân thơ phải từ bỏ tuyến tính. Một trong số người thầy của chúng tôi trong cách tân là Mallarmé. Một chữ của Lê Đạt chọn có khi đến mất ngủ. Cái đẹp của thơ Lê Đạt là ở chỗ hiện đại mà lại rất thường “Chiều Âu Lâu/ bóng chữ động chân cầu” hay “Em vẫn đây mà em ở đâu”. Cái đa nghĩa của thơ Lê Đạt nằm ở trong cố gắng tìm tòi ấy”. Dương Tường nhắc lại câu nói tâm đắc: “Gợi lên trong một cái bóng” (Mallarmé), đó là bóng chữ cả đời Lê Đạt theo đuổi.
“Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió/Đùi bãi ngô non/ngo ngó sông đầy/Cây gạo già lơi tình lên hiệu đỏ/La lả cành/cởi thắm/để hoa bay” (trích Quan họ). Dương Tường cho đó là một trong số bài hay nhất của Lê Đạt. Bởi: “tôi chưa bàn đến chất nhục cảm trong bài thơ, nhưng tôi muốn nói những chữ đặt vào đấy đều gợi cho ta nghĩ đến nghĩa khác. Thơ Lê Đạt nhiều khi như trò chơi ghép hình, những miếng lung tung ở đâu ấy, nhưng tự nhiên nó tụ lại”.
“Phu chữ” gắn với Lê Đạt, đánh giá lao động khổ cực của ông trong suốt mấy chục năm viết. “Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị, mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, bài thơ” (chữ Lê Đạt). Ông quan niệm: Mọi câu thơ hay đều kỳ ngộ / Hẳn phải siêng năng, có lòng thành / và nhất là biết chờ / người đẹp vỏ chữ bước ra / giờ các con phe đi ngủ.
Nhà thơ Hữu Việt - người từng được tín nhiệm giao đánh máy bản thảo - chia sẻ: “Đánh máy thơ Lê Đạt nhầm là chuyện thường xuyên, vì ông không quen dùng những từ có sẵn, ông chọn “ngây ngơ” chứ không phải “ngây ngô”: Tuổi lú lẫn/ngược nhầm ga trẻ dại/Hay ngây ngơ không biết lối về già/Thơ thẩn chữ ngã ba.
Trong trí nhớ của nghệ sĩ Ngọc Thụ, mấy chục năm quen biết Lê Đạt, chưa bao giờ thấy ông ta thán hay bất mãn về “tai nạn nghề nghiệp” (vụ Nhân văn giai phẩm). Chính vì nét thâm trầm ấy mà thuở nhỏ con cái nhà thơ không biết cha mình là nhà thơ lớn thế nào. “Tôi cứ nghĩ cha mình là bảo vệ”, lời chị Đào Phương Liên.
T.T
Lê Đạt, trước hết và chủ yếu, là một nhà thơ. Các nhà khác nơi ông, đó là nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa, nhà nhân văn…(Đỗ Lai Thúy). Ngoài thơ, độc giả biết đến ông qua các tập truyện ngắn Mi là người bình thường (2007), Hèn đại nhân (1994), U75 từ tình gồm thơ và đoản ngôn in năm 2007 là tập cuối cùng trước khi ông qua đời. Trong tuyển tập Lê Đạt-Đường chữ (2009), ngoài thơ còn có cả phần tiểu luận, với một số bài viết thú vị: Chữ bầu nên nhà thơ, Bản sắc dân tộc, thêm một số bài viết về bạn thơ Khương Hữu Dụng, Hoàng Cầm. |
Nguồn: Tiền Phong online (ngày 2-4-2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét