Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

ĐƯA TIỄN TRẦN NGỌC PHỤNG

TRẦN ĐỨC TIẾN


          Không ai không bất ngờ khi nghe tin Trần Ngọc Phụng ngã bệnh. Trông con người sinh lực dồi dào đến thế, mặt mũi phương phi, râu tóc xanh tốt, tiếng cười tiếng nói sang sảng luôn đi trước người, thế mà đùng cái đã phải vào nằm bệnh viện Thống Nhất, rồi chuyển tiếp sang bệnh viện Fuda (Quảng Châu - Trung Quốc). Còn nhớ có lần ông trốn viện về nhà, tôi gọi điện hỏi thăm, ông vẫn cười nói sang sảng, thông báo tình hình bệnh tật, rồi không quên làm phép tính cộng trừ cho cuộc đời mình, hào hứng khoe: lãi! Trần Ngọc Phụng thế đấy: vui vẻ, lạc quan ngay cả những thời khắc hiểm nghèo…
          Hình như thời gian đầu sang Quảng Châu, sức khỏe của Trần Ngọc Phụng tiến triển khá tốt. Trở về nhà, ông viết bài báo “Tôi đi chữa ung thư ở bệnh viện Fuda (Quảng Châu)”. Tôi đọc bản thảo bài báo, thấy hay, liền đưa lên trang blog của mình. Bài báo còn được đăng trên tạp chí “Văn nghệ BR-VT”, như sự giới thiệu, chỉ dẫn thêm về một địa chỉ chữa bệnh, ngay lập tức được nhiều bạn đọc chú ý. Nhiều người hỏi tôi số điện thoại của Trần Ngọc Phụng, rồi viết thư cảm ơn ông, vì nhờ sự mách bảo tận tình của ông mà kịp thời có hướng chữa chạy cho người thân. Có chị ở tận Hải Phòng khoe đưa người thân sang Fuda còn được sử dụng cả những thứ đồ dùng nho nhỏ của Trần Ngọc Phụng để lại… Là một người giàu tình cảm, hơn thế, một nhà thơ, có lẽ ông hiểu hơn ai hết sự đồng cảm, chia sẻ, xích lại gần nhau trong hoạn nạn của con người.
          Từ đất Bắc chuyển vào công tác ở Đồng Nai, rồi từ Đồng Nai về Vũng Tàu, lúc là cán bộ phụ trách Nhà bảo tàng tỉnh, lúc dạy học, nhưng Trần Ngọc Phụng chưa khi nào xao nhãng với thơ. Những nhà thơ khác ngoài đời thường khá ồn ào, nhưng Trần Ngọc Phụng chừng mực hơn. Phải là bạn bè thân thiết, và trong một không khí thật tâm giao, ông mới đọc cho nghe những bài thơ tâm đắc nhất của mình. Thơ ông nói chung cũng không nhiều lời, và thấp thoáng sau những câu chữ là một tính cách tự tin, phóng khoáng, yêu đời đến mức khó mà dứt được những ràng buộc với cuộc đời tươi đẹp nhưng cũng đầy hệ lụy. Tôi thích hình dung ra Trần Ngọc Phụng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đang vịn cây vịn đá trèo lên Yên Tử, mong gần với cõi Phật, và khi đã “ngồi chót vót” trên đỉnh Phù Vân rồi, vẫn “giật mình điện thoại túi quần lại kêu”.
          Tập thơ cuối cùng của Trần Ngọc Phụng mang tên “Gió luồn kẽ tay”. Kẻ đa mang chạnh buồn, còn người từng trải thì nhẹ nhõm. Trần thế phù du biết ai còn nắm giữ được gì? Cả tập thơ chỉ toàn những bài 4 câu. Tác giả như muốn làm một cuộc thanh lọc cuối cùng…
          Trần Ngọc Phụng đã sống, đã từng trải đến độ tự biết “gió luồn kẽ tay”, còn cuộc đời thì bất lực, không níu kéo được Trần Ngọc Phụng. Khoảng hơn 2 giờ chiều một ngày cuối tháng 11-2011, tôi với ông còn nói chuyện với nhau qua điện thoại. Tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông, còn ông lại… hỏi thăm tình hình ốm đau của tôi. Vẫn nói nói cười cười, nhưng nghe giọng ông đã yếu đi nhiều. Vậy mà chỉ vài giờ sau, ông còn đi taxi đến nhà tôi, mua cả quà thăm người ốm, và nhớ mang cho tôi mượn một cuốn sách rất dày và nặng: “999 bài thuốc dân gian gia truyền”. Hỏi ông, hóa ra đã mấy ngày nay ông bỏ thuốc không uống nữa. Có lẽ Trần Ngọc Phụng đã linh cảm thấy điều gì chăng? 8 giờ sáng hôm sau, ông nhập viện, bắt đầu chuyến rong chơi vô định vào cõi vĩnh hằng.
          Muốn kêu to một tiếng để tiễn ông!

                                                                       26-11-2011
                                                                           T.Đ.T

6 nhận xét:

  1. Anh Trần Đức Tiến !
    Tuấn chép lại bài thơ cũ của mình thay nén nhang tiễn nhà thơ Trần Ngọc Phụng về miền Tịnh Độ .


    TIỄN

    Tiễn nhau một lạy thâm tình

    Mốt mai rồi cũng tới mình bạn ơi

    Rong chơi mấy độ rã rời

    Nửa thơ thánh thiện , nửa đời bon chen

    Cửa đời sao vội cài then

    Thản nhiên về cõi không ghen không hờn...

    TRẦN NGỌC TUẤN

    Trả lờiXóa
  2. cầu nguyện cho ông vui niềm an lạc ở cỏi tây phương cục lạc.
    cầu mong con và cháu của ông.luôn cầu nguyện cho ông, thành tâm khấn nguyện trong thời gian này, để ông có thêm công đức nơi miền cực lạc.
    Nguyễn như Đạt.Thành Tâm khấn nguyện ...

    Trả lờiXóa
  3. Khoa đã dăng trên blog của khoa, chung với bài của TS Thống vừa gởi cho Khoa. Cảm ơn anh đã cho phép. tình thân_ LTMK
    http://vn.360plus.yahoo.com/lethienminhkhoa/article?mid=157

    Trả lờiXóa
  4. Vẫn biết đời là thế nhưng sao bố bỏ mẹ và các con nhanh thế bố ơi!!!. Con cầu mong linh hồn bố sớm được siêu thoát, sớm vươn tới miền cực lạc. Chúng con mãi mãi thương nhớ bố.

    Trả lờiXóa
  5. Người được anh Tiến cho số đt là tôi:Nguyễn Thị Minh,HP.Sang Fuda 2 lần,tôi vẫn dùng nồi niêu của anh Phụng,tôi vẫn liên lạc với anh,hỏi thăm sức khỏe của anh từ QC.Về nước gọi điện cho anh mấy lần không được.Mãi cuối tháng 11 năm ngoái,tôi gọi vào số máy 0908545009 thì có giọng cháu gái:bố cháu mất rồi!
    Sống chết có mệnh Trời,cầu mong anh siêu thoát.Xin chia buồn cùng gia đình anh.Ở Fuda,bệnh nhân họ nọi anh rất hiền,chị vợ anh còn nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân.Đồ đạc của anh tôi vẫn gói gọn,để ở hành lang nơi anh nằm chữa bệnh hôm nào.
    Cảm ơn anh Tiến.Tôi giờ vẫn chưa chết(U đầu tụy).Chúc anh và gia đình LUÔN KHỎE.

    Trả lờiXóa
  6. Anh không duy trì blog nữa sao?

    Trả lờiXóa