Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

CHÂN "QUẤY", CHÂN "PHỦI"

HOÀNG ĐỊNH



Sắp 12 giờ trưa. Cả ba sân đều kín chỗ. Mặt đất không còn đốm xanh nào, không có gió mà bụi vẫn thốc lên cuồn cuộn. Chả ma nào xem.  Cầu thủ từ tin đến anh già “sáu sọi”, ra đây đều là “thằng” cả. “Thằng” bên mặc áo đeo kính lóng ngóng đỡ bóng bằng đầu gối với ống đồng. Lại “thằng” bên cởi trần mặt mũi quen quen, đâu như đã từng chinh chiến vi lích. Một “hán tử trung niên” xách giầy tìm chỗ đá ké, ngao ngán thấy bọn chầu rìa bọn đã mua sân còn đông quá. Cảnh này từ trên cầu Long Biên nhìn xuống…

Cách nay dăm chục năm, Long Biên là thiên đường của trẻ đường phố. Vượt khỏi con đê bươn xuống nhà cửa thưa thớt, ngô đậu lạc xanh ngắt. Lũ chúng tôi trốn nhà trốn học xuống đây quần quả bóng da mỏng dính, méo mó vì khâu đi khâu lại (ông thợ giày vá bóng, cùng những ông hàn dép nhựa, áo mưa kiếm rất dễ). Long Biên là sân tập của đội bóng đá Thiếu niên Hà Nội, với những Long “tài Vượng”, Mằn “mèo”, Cầu “điên”… Ngước lên thấy những ông anh Tô Hiền, Sơn “rỗ” của đội Công an Hà Nội chơi ma, thầy Nghẽn bắt sút vào bức tường xi măng kẻ ô đánh số tượng trưng cho khung thành. Hai sân lớn rộng mênh mông, nhiều sân nhỏ tha hồ luyện, lại một khung sắt làm con đường hẹp trên cao cho những chú thích trò dũng cảm. Quần thảo xong ra sông Hồng tắm, giữa trời nước mênh mông dậy lên giấc mơ cầu thủ.
Rồi chiến tranh nghèo đói, thời bao cấp bần hàn. Đi mải miết, quay về Thủ đô hỏi những tên tuổi bóng banh cùng thời, thấy bảo thằng nấy đã vào lính, thằng nọ đi lái xe, còn thằng kia đang khoác áo đội hạng A. Mặt người thiếu ăn xanh rớt, mà báo chí cứ la hét không có chỗ chơi. Người tứ chiếng đổ về ngoạm quá nửa sân Long Biên. Bên kia cầu, sân Phúc Xá thành chợ hoa quả. Những sân đại học sân khu phố khét tiếng phải nhường chỗ cho cuộc mưu sinh vĩ đại. Khiếp thật, người đâu về, người sinh ra đến lắm, nhà lên bao nhiêu không xuể. Ra đường “chiến đấu” dành mươi xăng ti mét cho bánh xe máy thì không khỏi nghĩ “đất đai dành cho sân bóng bể bơi làm chó gì, xây chung cư lợi ích hơn bao nhiêu chứ”. Những anh sáng chiều ra vào gian nhà trọ bé tẹo càng thấy đường Mỹ Đình để giải phân cách to thế thì lãng phí quá.
                                                    *
Giờ thì đất vẫn là vàng, càng để càng “lên phân”, nhưng thanh niên không còn phải quần thảo trái bóng trên vỉa hè, dưới lòng đường vào lúc khuya xuống, người xe đã vắng nữa. Ven ngoại cũ, đã nhập nội thành, bao nhiêu ruộng vườn là bấy nhiêu dự án. Những đất đã xí ấy “vì lý do khách quan” mà chưa thi công, sân bóng mọc lên ngon lành. Anh nào mất chỗ canh tác không biết, chứ khối anh “vào cầu” được nhờ vào nhu cầu la hét, đổ mồ hôi để tranh được quả bóng của thiên hạ. Sân Phúc Xá cũ không còn, thì phường Phúc Xá mới có hai sân mưa thành cái ruộng, nắng là bể bụi mà cỏ không mọc nổi. Long Biên vẫn còn hai cột gôn to đoành hai đầu nhưng đã chia ba, sân bẩy người, lưới thủng tổ bố đôi khi thành nguyên cớ cãi vã bóng đã vào hay chưa. Chỗ tòa nhà Keangnam đổ bóng là cả chục sân đủ đèn đóm với giải khát la Vie Cô gái Hà Lan, 14 thằng hùng hục 60 phút trả trăm rưởi đến hai trăm nghìn, cứ thế đến 22 giờ đóng cửa. Sân trong Nhà máy nước vào loại xịn, mưa cả đêm không đến nỗi thành cái “ruộng”, đá xong “tăng” trưa có người tiếp quản ngay. “Loại hình vui chơi” này rất linh hoạt: thuê lại đất (của dự án), vài chục triệu trồng cột lắp đèn kẻ sân, chả mấy chốc bù lại vốn, dự án càng trễ lên ta càng đẻ lãi.
Sân cỏ nhân tạo như cái gần Bích xi tốn kém hơn, bỏ cỡ nửa tỷ nhưng không phải bảo dưỡng, di chuyển được nếu bị đuổi, đá ngoài chục năm còn tốt. Lại nghe nói có sân xịn, cỏ tự nhiên “được chăm như sân gôn” như cái mười tỷ của Megastar, đạt chuẩn FIFA nhưng dường như không thích hợp với kẻ máu mê bóng banh thông thường. Trang Forumbongda.com làm khá “dậy mùi”, đưa thông tin giải, các sân Bộ Công an, Lĩnh Nam, Tây Hồ… kèm bản đồ, địa điểm, kích thước, điện thoại liên hệ. Có thể thấy khái niệm “thể thao phong trào” đã thay đổi, người ta không thể đã thú đam mê mà mặc nhiên không tốn kém. Không ai gây dựng, có lẽ nằm ngoài mọi tầm ngắm của ngành thể thao, lên như cỏ sau cơn mưa, nó tồn tại hơn hớn như mọi nhu cầu uống, hát, nhảy nhót, “phượt”. Mặc dầu vậy, một dân chơi nhận xét “Hà Nội đầu tư vào sân bóng chậm hơn và cũng không công phu bằng Sài Gòn”.
                                           *
Vì sao lắm kẻ “điên” có cái nhu cầu quái gở là đuổi theo quả bóng, tranh chấp để đưa nó vào lưới đối thủ cho bằng được? Phát cho mỗi thằng mỗi trái cho rồi. Trên ti vi Mét - si, Ru - ni, Tốt - ti đá hay bằng vạn, xem chưa chán sao còn cởi sơ mi đóng thùng hùng hục nhễ nhại văng “tiếng Bỉ” mất hết thể diện công chức? Vợ đẹp con khôn sao cuối tuần không đi chợ nhặt (siêu thị) ngon bổ rẻ, mà cứ phải lăn vào chỗ quần thảo, đang “ông” đã xuống “thằng”. Lại nữa, những chú mới ra trường ba cọc ba đồng, đi chợ tần ngần trước mớ rau héo, bỏ trăm bạc vào sân tốn phí bao năng lượng, chả ra vô ích vô nghĩa lắm ru. Tại sao thế?
Trả lời những câu hỏi trên, đa phần của chúng chị em, có lẽ vừa đơn giản vừa phức tạp, đến mức… vô nghĩa. Như là giải đáp những thắc mắc kiểu “Sao con chim kia cứ hót?”, “Sao thằng trí thức cứ nghĩ, có được thêm bằng cấp gì đâu…”. “Đã bảo đi đá bóng để tăng cường sức khỏe nhưng xong lại tụ bạ bia bọt, chả hóa ra ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình lắm, chứ lỵ!”. Đinh ninh thế, các mợ có biết rằng lao lực hùng hục vậy nó giải phóng ứ trệ trong tâm tưởng vô ngần, để rồi về nhà tốt nhịn vợ con, đến sở chả chấp sếp. Mất bóng nhiều nhưng đoạt lại một quả sướng âm ỷ. Đem mãi mới được quả bóng lên, “nó” phá hoại thì đàn anh cũng ra “thằng”. Nóng mắt liền phang nhau, tan trận “gần mực thì bia gần đèn thì thuốc” lại hóa anh em. Mà đá suông, chả có tý ty độ, hay ít nhất bên thua trả trăm rưởi tiền sân, nó không “máu”. Tan một giải phong trào, bầu thắng móc túi thưởng gấp trăm lần giải chính thức, bầu thua đãi chầu thịt chó bia hơi trong nỗi hậm hực. Hớn hở hay hậm hực đều văng “tiếng Bỉ” ra, kẻo nhạt mồm nhạt miệng lắm. Cứ thế đi tuần đôi lần nó mới dẻo, chứ lâu lâu mới xỏ giầy giãn dây chằng lệch đĩa đệm như chơi.
Quanh sân bóng nhiều ông đăm chiêu suy nghiệm ra nhiều điều sâu xa đáo để. Đâu như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn bảo ngôn ngữ bóng đá tiếp cận đời sống “nhanh hơn lĩnh vực khác”. “Phang”, “chốt”, “dập”, “đóng”, “chuồi”, “xâu kim”, “vẩy” nóng giãy đành đạch, hợp khoảnh khắc, tình huống thật sướng lỗ nhĩ. Khái niệm “nhịp” vô cùng tinh tế. Và ối giời ơi, những “thành ngữ” “bóng đi người ở lại”, “tiều phu đốn củi”, “xã phang”, “chuyên gia ngã”, “giáo sư ăn vạ”. Cầu thủ thành danh bao giờ cũng kèm tên lóng, “đeo” đến lúc về già: Quỳnh “xích thố” vì khỏe quá, Linh “cười” bị đánh vẫn cười (sau đó chơi lại chứ), Việt “lỳ” luôn luôn kín. Đâu như tuyển thủ Phạm Thành Lương có biệt danh “dị” từ hồi còn lăn lóc chơi “phủi”, chân “ngoan” đến mức “dị”. Có anh “thủ sẵn trong túi quần” các ngón kéo, giật, đẩy, dẫm, cùi chỏ, búng “chim” thì tên cha mẹ đặt dính thêm chữ “bẩn”. Còn chưa tính những tên đội: FC Sướng, FC Hàng Khoai, FC Mơ, FC Gốc đa in trên lưng áo.
Một nhận xét khác “có  tính chất xã hội học”: thế giới bóng đá nghiệp dư phản ánh tính cách người Việt rất rõ. Ma mãnh, quái dị, rất khéo khi một mình một bóng, nhưng phối hợp kém, tư duy cụ thể nên khó tưởng tượng anh không có bóng quan trọng hơn anh đang cầm bóng. Xem “phủi” đá 7 người như làm xiếc. Đội Hồng “Trà” (Dilmah) đã cho đám U23 của Như Thành, Văn Quyến xơi 7 – 8 trứng. Nhưng ra sân to thì đâm lắt nhắt, kém kỷ luật kém luôn chiến thuật, mà càng ép càng hỏng. Những “người Việt tiêu biểu” ấy ra sân Âu tra phót, sân Oem bly chắc tình hình trầm trọng lắm.
Còn cái chuyện hợp tan tan hợp của các câu lạc bộ, có người ví với tình trạng doanh nghiệp thoắt ẩn thoắt hiện, cò con có nhau mà phát lên một tẹo đâm hục hặc. Bóng đá phản ánh cuộc sống, âu cũng là…
                                           *
Còn một thế giới bóng đá khác, kín hơn nhưng chả hề kém  náo nhiệt. Gọi đó là “phủi”, gồm những anh năng khiếu đứt gánh, chuyên nghiệp giải nghệ hoặc quá “tanh” trong sới phong trào; nghĩa là đều phải đủ kỹ năng rê dắt chuyền sút đánh đầu rồi. Nòng cốt không nhiều, đâu dăm chục, họ có mặt tại đủ các câu lạc bộ, vừa Techno  đã sang Hồng “Trà”, Cường “hói”. Họ chơi mọi giải, nhưng mỗi giải chỉ đá cho một đội. Vài anh “phủi” làm khung, bầu (doanh nghiệp, cơ quan) bổ sung thêm người “bản địa”, là thành đội. Có anh sáng chơi giải Bưu điện, chiều sang giải Ngân hàng, trọng tài trông thấy phát chán. Hai anh sáng đồng đội giải này chiều đối thủ giải khác, nhìn nhau cười khành khạch. Nhiều sếp đăng ký họ vào chân bảo vệ, lái xe, tạp vụ “làm nòng cốt phong trào”, ký hợp đồng ngắn hạn hẳn hoi, vào giải ngành bắt nạt được đội bạn lắm. Nhưng ông bảo vệ ấy đến phiên hay nhờ người trực để đi đá “sô”. Các giải phong trào giờ thưởng oách lắm chỉ mười triệu, nhưng tiền sếp cho mới nhiều, nhờ vậy mà sống được. Mà cũng vui, đá xong được chầu thịt chó lắm đạm. Có anh chỉ nộp ảnh, đọc số chứng minh thư là xong xuôi vài hợp đồng với mấy cơ quan, xách giày chạy từ giải này sang giải kia, đêm về ngủ không vẫy tai, hết giải không còn ai bảo hiểm lại ra sân đá chơi. Đây là một thế giới lắm láu lỉnh nhiều mưu mẹo, đâu đó “có họ” với dân dàn xếp tỷ số, cá độ. Nghĩa là bên dưới tảng băng còn nhiều thứ vô kể.
Dân chuyên nghiệp cũ không phải ai cũng thế. Người kiếm được công việc thu nhập ổn hay họp nhau đá cho vui, như Bật Hưng, Dương Hưng, Văn Thuận trong màu áo lão tướng Công an Hà Nội. Quân Thể Công cũ lại tập hợp trong FC Family. Trọng Giáp, Bính, Cường khét tiếng một thời lại giải khuây bằng cách đứng “gảy” bóng quần – còn di chuyển được nữa đâu. Có tố chất nhưng chỉ chơi phong trào thì không phải hứng những hệ lụy nghiệt ngã ấy; một nguồn vui lâu bền lại giữ được sức lực. Có lẽ vì cách nghĩ “lười nhác” ấy, mà Hà Nội không cung cấp được mấy cầu thủ cho bóng đá chuyên nghiệp
Thủ đô có bao nhiêu câu lạc bộ bóng đá nghiệp dư? Một nguồn tin cậy ước chừng 500, mà thoắt hiện thoắt biến, một anh chơi cho vài đội. Bỏ rẻ ra có chừng vài vạn anh bỏ tiền ra đuổi theo trái bóng mỗi tuần. Thử tưởng ra ta là một trong số những “kẻ điên” ấy, giữa hai hiệp quần thảo, châm điếu thuốc lấy “đô pinh”, có thấy mình đang bay cao lên, khỏe đẹp hơn những người đang chen chúc trong khối bê tông bên dưới?

                                                              H.Đ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét