Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

PHỞ, BÁNH CUỐN, VÀ...

(kỳ cuối)


TRẦN ĐỨC TIẾN


          5. Ngày trước các cụ Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân đã tốn khối chữ để viết về phở. Giữa cái thời bao cấp toàn dân đói khổ thắt lưng buộc bụng lo đánh giặc giữ nước, cụ Nguyễn còn có lần khốn đốn vì chuyện tán tụng phở. Sau này khi đã mở mày mở mặt lên một tí, đám chữ nghĩa lại có dịp đưa phở lên mây xanh. Người ta truy tìm nguồn gốc phở. Phở biến thái từ món ăn nào? Quê gốc của phở là Hà Nội hay Nam Định? Quá trình trưởng thành và phát triển của phở nữa. Lúc nào có thêm phở gà? Lúc nào phở thịt heo? Phở “không người lái”? Lúc nào thêm trứng gà, giá sống? Chưa kể có người còn cả gan “vuốt râu” cụ Nguyễn Tuân, bịa ra chuyện ở Sài Gòn người ta ăn… phở đá (như uống trà đá, cà phê đá…) khiến cụ suýt té ngửa! Chuyện này bác nhà thơ Vũ Quần Phương kể lại, có đăng báo hẳn hoi. Rồi phở bắt đầu vượt biên giới, làm một cuộc xâm lăng ẩm thực toàn cầu. Cứ cái đà nghiên cứu và tôn vinh phở như thế, e rằng phở sẽ lên ngôi quốc thực. (Đã có quốc ngữ, quốc kỳ, quốc ca, quốc lủi - rượu lậu, sắp tới là quốc hoa - hoa sen, quốc thi - thơ lục bát, thì quốc phục, quốc thực và các thứ quốc khác cũng phải có cho đủ cỗ. Giống như phải có “luật nhà văn” ấy).
          Tháng trước mình có dịp sang Praha (Sec). Qua chợ Sa Pa (khu chợ của người Việt), ghé vào ăn sáng ở quán phở của một bác quê Hà Nội. Bác này tự hào cho biết: quán của bác rất nổi tiếng, không chỉ có người Việt đến ăn mà “tụi Tây” cũng phải tìm đến. Công nhận phở của bác ăn được. Bánh phở làm tại chỗ, tươi, chứ không phải là phở khô mang từ nhà sang. Thịt bò tây thì ngon hơn thịt bò mình là cái chắc: mềm, ngọt và trắng hơn (nhìn hơi giống thịt lợn). Nhưng cả bữa ngồi cà kê dê ngỗng với bác, mình chả thấy mặt thằng Tây nào! Ngoài cái bàn 5 người của mình, chỉ có thêm hai mống Việt, mặt mũi nhớn nhác như cốt ăn cho xong bữa còn đi lo việc khác. Mưu sinh ở xứ người cũng không phải chuyện đùa!
          Lúc đi dạo qua khu trung tâm thủ đô Praha, bỗng nhìn thấy thò ra từ tầng một tòa nhà cổ kính tấm biển ngạo nghễ 3 chữ Việt to đùng: PHỞ HÀ NỘI. Không thèm kèm một dòng tiếng Sec hay tiếng Anh. Phố vắng (những phố cổ Budapest, Praha hay Vienna đều rất vắng, trừ mấy khu du lịch, chứ không nhộm nhoạm túi bụi người xe như Sài Gòn, Hà Nội). Đến gần, quán không một bóng người.
          “Thế thì họ sống làm sao nhỉ”? Mình thốt lên một câu có vẻ ngớ ngẩn, nên anh bạn người Việt đi bên chỉ nhếch mép cười. Chính anh cũng là dân tha hương ba, bốn chục năm nay, phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Mùa đông ở đây âm vài ba chục độ, chân quấn cả chục lần ni-lông trước khi xỏ vào ủng, đầu đội mấy lần mũ, đứng trần thân ra cả ngày ngoài trời bán hàng…
          Lại nói về phở. Mình nghĩ: chẳng cứ ở Tây, ở ta cũng vậy, phở cũng có thân phận long đong lận đận như người mình mà thôi. Thiên hạ người thích người không. Chẳng qua cũng chỉ là thứ lót dạ bình thường, mình có thứ này thì người có thứ khác, bơm thổi lên làm gì. Tự hào, tự tin quá đôi khi lại là dấu hiệu của sự không trưởng thành đấy.

                                                                            6-11-2011
                                                                              T.Đ.T

1 nhận xét: