Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

LỠ MÀ ĐOẠT GIẢI NOBEL?

TRẦN NHÃ THỤY


Nhân vật “hot” nhất trong làng văn tuần này, có lẽ là ông Hoàng Quang Thuận (sinh năm 1953, Hội viên Hội Nhà văn VN năm 2011, hiện là Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông) với hội thảo “Hoàng Quang Thuận với Non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức (ngày 8/8 tại Hà Nội).
Trong mấy năm gần đây, Hoàng Quang Thuận nổi danh như một người làm thơ Thiền. Sự việc được nhắc lại (trong hội thảo) một cách lạ lùng là cách đây 15 năm (1997), Hoàng Quang Thuận đến Yên Tử, chỉ trong vòng ba đêm ông đã viết được 63 bài thơ, sau đó in thành tập Thi vân Yên Tử. Năm 2000, Hoàng Quang Thuận cho ra mắt tập Ngọa vân Yên Tử với 80 bài. Nhưng việc làm thơ của Viện trưởng càng lạ lùng hơn khi:Ngày 4.4.2010, ông (Hoàng Quang Thuận) dâng hương tại một “Đàn cầu thơ” ở vùng cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Trong vòng 4 giờ tới mờ sáng, ông Hoàng Quang Thuận sau một làn gió lạnh đã “nhập đồng thơ” viết như người mộng du liên tục 121 bài thơ trên những trang giấy trắng” (như một số tờ báo đã đưa tin)
Sau khi viết được 121 bài thơ trong vài giờ, Hoàng Quang Thuận gộp lại hai tập thơ Thi vân Yên Tử và Ngoại vân Yên Tử, thành tập Thi vân Yên Tử in tam ngữ Anh-Pháp-Việt (NXB Giáo Dục 2010; Thái Bá Tân chuyển ngữ tiếng Anh, Hoàng Hữu Đản chuyển ngữ tiếng Pháp) Hoàng Quang Thuận cũng đã gửi tập thơ này cho nhiều nguyên thủ quốc gia và Viện Hàn lâm Thụy Điển để xét giải Nobel văn chương.
Trên rất nhiều tờ báo đã viết về người và thơ Hoàng Quang Thuận. Nhưng hội thảo mới đây lại làm nóng lên một lần nữa khi nhắc đến việc trong vòng vài giờ đồng hồ (từ 4 giờ tới mờ sáng) Hoàng Quang Thuận đã “phóng bút” viết thành 121 bài thơ là một kỷ lục hiếm có. Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Thuận khiêm tốn “không dám nhận mình là tác giả của tập thơ, mà có lẽ tiền nhân được mượn bút tôi để viết”. Nghĩa là đã có hiện tượng “nhập đồng thơ”? Và ít nhất có một người làm chứng, đó là nhà thơ Dương Kỳ Anh (nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong) hôm ấy có đi cùng Hoàng Quang Thuận. Trong tập “Những câu thơ hay đến lạnh người”, mà ông Dương Kỳ Anh đang tuyển chọn, đương nhiên sẽ có thơ Hoàng Quang Thuận. Để bạn đọc thử thưởng thức xem có… lạnh người hay không, xin chép dẫn ra đây bài thơ Am xưa mà Dương Kỳ Anh bảo là… hay lạnh người: Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc/ Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm/ Tiếng sáo thiền ca vui bất tận/ Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng...Và cũng xin ngẫu nhiên dẫn ra đây một bài trong tập đã gửi xét giải Nobel: Đạt Ma sư tổ nhắm mắt thiền / Thiện nam tín nữ có kiếp duyên/ Phổ độ chúng sinh từ bao kiếp/ Đền thiêng ngài ngự ở bên thềm (Đạt Ma 1)
Hay-dở, nóng - lạnh… là chuyện còn phải bàn dông dài. Nhưng sự việc một người tự cho là không chuyên nghiệp về thơ, trong vài giờ viết đến hơn trăm câu thơ, khiến nhiều người (trong đó có các nhà thơ chuyên nghiệp) bán tín bán nghi, mắt tròn mắt dẹt. “Nếu như có người đọc cho, chỉ chép thôi thì cũng không chắc kịp”- một nhà thơ lắc đầu. Và, có người lại thắc mắc: “Nếu như tiền nhân mượn bút thì cùng lắm chỉ viết vài câu, vài bài đắc địa, đằng này viết hơn cả trăm, hóa ra tiền nhân này cũng… chạy đua về số lượng?”  Trên một số diễn đàn mạng, những ý kiến xung quanh vụ “nhập đồng thơ” này xem ra còn rôm rả hơn nhiều.
Còn người viết bài này chỉ dám trình ra một băn khoăn nho nhỏ: “Viện trưởng Hoàng Quang Thuận bảo tiền nhân đã mượn bút mình mà làm thơ, nghĩa là đã có một đồng tác giả dù là… hư ảo. Vậy lỡ mà tập thơ này được trao giải Nobel thì việc “chia chác” sẽ tính thế nào? Nghe đâu tiền từ giải Nobel to lắm lắm?”

                                                                     T.N.T

1 nhận xét:

  1. Là một nhà "khoa học" sao ông Hoàng Quang Thuận lại lừa dối dân chúng như vậy? Thử hỏi có thần thánh thật không hay chỉ truyền thuyết của tín ngưỡng? Nhà thơ Tố Hữu viết: "Trời không có thiên thần/ Đất không có thánh nhân/ Chỉ có nhân dân thần thánh" Còn ông Thuận tuyên truyền rằng: Trời có thiên thần; Đất có thánh nhân, Nhân dân chỉ là đồ “giẻ rách”! Thật đáng tiếc một nhà khoa học lại bị “áp vong” để lừa bịp! Những người cầm cân nẩy mực trong Hội nhà văn Việt Nam lại phụ họa. tâng bốc! Những trung tâm ngoại cảm, áp vong tìm mộ, thầy bói, thầy cúng, thầy tướng, đang phát triển như nấm sau mưa đã làm bao miền quê điêu đứng, bao tầng lớp người trong xã hội từ thấp đến cao lao vào cầu cúng hy vọng giàu sang không đổ mồ hôi, nước mắt; quyền cao chức trọng, bổng lộc đầy nhà mà không cần năng lực; tai qua nạn khỏi, đau ốm, trọng bệnh uống tàn nhang, nước lã mà không cần đến bệnh viện!
    Đau xót cho nền Thơ Việt Nam nói riêng, cho nền Văn học nước nhà nói chung! Đau xót cho những người làm khoa học- giáo sư, tiến sĩ.Xin hãy dừng bước trước khi bị toàn dân xỉ vả! Hãy dừng bước !

    Trả lờiXóa