Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

TRÚC ĐÃ VIẾT TÊN MÌNH TRÊN CÁT ƯỚT...

NHƯ DÃ QUỲ


Hôm nay Trúc bay về Mỹ. Đầu tháng 8. Trời Đà Nẵng nhiều mây. Nghe bảo đang có áp thấp đâu đó trên biển Đông. Thời tiết kiểu này bay xa chắc mệt. Cầu mong Trúc và hai đứa nhỏ bình an.
Tôi không tiễn Trúc ra sân bay. Tôi luôn sợ không khí biệt ly, dù biệt ly với những người không hẳn là thân thiết, hay biệt ly để đi đâu đó ít hôm rồi về. Huống chi đây là biệt ly với Trúc. Huống chi những chuyến đi của Trúc luôn xa xôi không biết bao giờ trở lại.
Tôi đã đọc hay nghe ai đó nói: Chia tay, không phải chia tay với một người, mà là chia tay với một thời. Vậy cũng có thể nói rằng: Gặp lại, không chỉ gặp lại chỉ một người, mà là gặp lại cả một thời. Tôi đã gặp lại Trúc ở thành phố tuổi thơ tôi, và chưa bao giờ sống lại trong tôi rõ rệt thế, những kỷ niệm của ngày xưa.
*
Trúc theo chồng sang Mỹ theo diện HO từ năm 1992. Hồi đó tôi đã ra trường về Tây Nguyên dạy học được 4 năm rồi. Hồi đó khoảng cách địa lý là một cách ngăn khủng khiếp. Mà mọi chuyện của Trúc diễn ra lại rất vội vàng. Tôi đã chẳng thể hiểu rõ ràng tình cảm của Trúc và ngọn ngành của mọi lựa chọn trong việc Trúc ra đi. Tôi không muốn nghĩ về sự đơn côi của Trúc ở một nơi không là quê hương, bên cạnh một người chồng lớn hơn mình 22 tuổi. Tôi muốn hình dung một câu chuyện đẹp: Một tình yêu choáng ngợp say đắm, giữa một người con gái giàu mơ mộng lãng mạn, thích đọc thơ Nguyên Sa, thích hát Ngô Thụy Miên, với một người đàn ông là sĩ quan trong chế độ cũ vừa trải qua 12 năm học tập cải tạo. Một đám cưới với đầy đủ lễ nghi gia đình và thủ tục hành chính. Những đợt phỏng vấn. Chuyến tàu vào thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến bay không định ngày về…
Đã không còn Trúc ngày xưa ngồi trước hiên nhà đếm sao, chờ tôi đến chở đi loanh quanh phố. Không còn Trúc những buổi trưa mùa hạ, đạp xe vào nhà tôi ngồi trên cát mịn dưới bóng mát của những cây dương liễu, nghe gió vi vu mà hát rằng: Trời còn vương nắng để gió đi tìm, vết bước chân em qua bao nhiêu lần, lời ru đan ngón tay mềm, ngàn năm cho giá băng hồn, tuổi gầy nồng lên màu mắt…
Sự ra đi của Trúc để lại một khoảng rỗng đầy hụt hẫng trong tâm hồn tôi. Chúng tôi đã thân thiết với nhau từ những năm cùng học tiểu học. Ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của con người, nhất là trong lứa tuổi học trò, bạn bè là quan trọng và cần thiết khủng khiếp, đôi khi còn quan trọng và cần thiết hơn cả những người thân trong gia đình. Tôi nhớ Trúc hồi đó đã là tất cả với tôi. Mọi ngóc ngách suy nghĩ của tôi đều có Trúc dự phần. Và cũng như vậy mọi chuyện xảy ra với Trúc, Trúc đều cùng tôi chia sẻ. Không tốt nghiệp trung học, Trúc ở nhà học lại, còn tôi lên Đà Lạt. Một học kỳ đi qua thật lâu trong trường đại học, khi bên cạnh tôi không có người thân mà Trúc cũng biền biệt xa. Tôi đã nhận từ Trúc không biết bao nhiêu thư, với những câu chữ đôi khi ngô nghê kinh khủng nhưng lại có sức lay động thẳm sâu: Xíu ơi, cây ngát trời của tụi mình lại nở hoa rồi, không có Xíu chẳng có ai để vừa đạp xe lang thang vừa hát Dấu tình sầu với Trúc; Xíu ơi, Nguyên Sa đã nói là Xíu không được bịnh, Xíu phải mau khỏe để còn về đi dạo sông Hàn với Trúc.
Hồi đó Trúc thật ngông cuồng và buồn cười, cứ điều gì làm Trúc thú vị, điều gì Trúc thấy mong muốn, điều gì Trúc không muốn người người khác cãi lại là Trúc lại bảo Nguyên Sa đã nói… Nhà thơ Áo lụa Hà Đông này quả có sức mê hoặc vô cùng với Trúc.
Hồi đó ở Đà Lạt, tôi ghi nhật ký hằng ngày và mỗi khi về nghỉ tết, nghỉ hè tôi lại đến nhà chở Trúc đi. Chúng tôi ghé vào Bưu điện Thành phố. Trúc ngồi trên bậc tam cấp dẫn xuống bãi cỏ rộng trong khuôn viên bưu điện đọc nhật ký của tôi. Tôi loanh quanh chờ Trúc. Tôi muốn Trúc đọc, muốn Trúc hình dung ra những tháng ngày tôi đã sống, để hai đứa dễ dàng tiếp tục những câu chuyện, tiếp tục những chia sẻ, bàn luận về tất cả như chưa từng có thời gian xa nhau.
Vậy mà Trúc một ngày bỗng thực sự biền biệt xa.
Tôi cũng dạy học xa nhà. Không có điều kiện để hè nào cũng về Đà Nẵng thăm gia đình, nhưng mỗi dịp thu xếp về được, tôi đều đến thăm me Trúc. Để nghe me kể về Trúc và tin rằng cuộc sống Trúc ổn định. Công việc thuận lợi. Trúc có con trai. Trúc có con gái. Trúc gửi tiền về xây nhà cho ba me. Trúc đưa chị gái và em gái Trúc sang định cư bên Mỹ. Cứ có tiền thì đi du học tự túc, rồi tìm một người có quốc tịch bên đó làm đám cưới giả, rồi ở lại luôn, dễ lắm mà. Giọng của me Trúc vút cao, trong vắt cứ như là giọng nói của một thiếu nữ tuổi mười tám đôi mươi. Me Trúc có vẻ rất vui, rất kiêu hãnh về những đứa con của mình. Nhưng sao tôi vẫn thấy có gì đó thật gượng gạo. Tôi đã không biết mình buồn vui ra sao. Chỉ an ủi rằng số phận dường như đã sắp xếp tất cả.
*
Đúng vậy không? Số phận đã sắp xếp tất cả? Kể cả việc cho tôi gặp lại Trúc? Mùa hè năm nay. Tôi về thăm nhà. Trúc bằng xương thịt rõ ràng. Trúc của 17 năm sau ngày ra đi.
Như ngày xưa tôi lại đến chở Trúc loanh quanh phố.
Thật bất ngờ với tôi. Trúc thú nhận lâu rồi không hát Ngô Thụy Miên. Trúc thú nhận không biết gì về internet. Trúc không muốn nói với tôi về công việc của Trúc. Cũng không nhắc nhở gì đến người đàn ông Trúc đang chung sống. Trúc chỉ miên man những chuyện ngày xưa.
Những con đường ngày xưa. Bờ sông Hàn ngày xưa. Những gốc cây ngày xưa. Những ngôi trường ngày xưa. Mỗi gặp lại đều làm Trúc òa vỡ bao đau đớn vì tất cả dường như đều đã đổi thay.
Dốc Cầu Vồng không còn. Hàng kiền kiền trên đường Thống Nhất không còn. Bến phà không còn. Bưu điện thành phố nơi Trúc ngồi đọc nhật ký của tôi cũng không còn. Ngay cả những ngôi trường từng lưu giữ bao kỷ niệm học trò của tôi và Trúc cũng không còn vẹn nguyên như xưa.
Trường Tiểu học Bình Hiên ở góc đường Chu Văn An, Huỳnh Thúc Kháng nay đã là Bệnh viện Phụ nữ. Trường Trung học Phan Châu Trinh đã dột nát hoang tàn từ mấy năm nay. Trường Sao Mai (ngôi trường nổi tiếng trước 1975) nằm đối diện xeo xéo Cổ Viện Chàm (thời chúng tôi học có tên Trường Nguyễn Văn Trỗi, giờ là Trường Bán Công Trần Phú) cũng đang buồn bã vắng lặng với màu vôi loang lổ cũ mèm. Bởi chỉ một thời gian không lâu nữa thôi, ngôi trường này cũng sẽ hoàn toàn biến mất. Lễ khởi công xây dựng cây cầu mới mang tên cầu Rồng bắt ngang sông Hàn đã diễn ra. Ngôi trường sẽ được đập bỏ. Thay vào vị trí đó sẽ là đầu cầu phía bờ Tây của cây cầu Rồng. Cây cầu 1.500 tỷ, có kiến trúc mô phỏng hình ảnh một con rồng duyên dáng và hùng vĩ đang uốn lượn trên sông.
Cảm giác mất mát thảng thốt tràn ngập Trúc,  Trúc cứ luôn miệng hỏi: Tại sao lại như vậy? Tại sao?
Mấy ngày bên nhau tôi và Trúc đã khi vui sướng khi ngậm ngùi, tíu tít nhắc nhở thăm viếng những bạn bè thầy cô xưa. Kỷ niệm của một thời học trò ùa về rộn ràng sống động. Tôi ngạc nhiên và thú vị thấy Trúc có vẻ như đã không quên điều gì. Có vẻ như Trúc vẫn thường một mình nhớ lại những tháng ngày đẹp đẽ xa xăm đã sống ở thành phố quê hương này.
Trong câu chuyện, nhiều lần tôi muốn hỏi Trúc về những điều lâu nay tôi vẫn hoài nghi. Về sự lựa chọn có vẻ như vô lý của Trúc? Về 17 năm Trúc đã đi qua? Về tình yêu? Về niềm tin? Về những khao khát mơ mộng? Nhưng tôi đã không đủ can đảm để hỏi. Tôi biết Trúc muốn tránh né. Tôi không sợ nghe những lời nói dối. Nhưng tôi sợ những câu hỏi của tôi sẽ khiến Trúc đau lòng. Tôi đã thấy Trúc co người lại buồn bã khi nhắc đến ngày đi. Có gì đó chua chát nặng nề u uẩn bủa vây Trúc. Nhưng có vẻ như Trúc đã quyết giữ những chua chát nặng nề u uẩn đó cho riêng mình.
Cuộc đời luôn có những ngả rẽ kỳ lạ. Có rất nhiều khi ta phải lựa chọn mà không có sự lựa chọn nào lại không khổ đau. Ngày đó Trúc đã lựa chọn và tôi tin sự lựa chọn của Trúc có những lý lẽ riêng. Trúc đã quả quyết đi trên một con đường với những bước chân lạnh lùng và một trái tim rớm máu vì đau đáu những ước mơ xưa. Ước mơ có thể không còn, nhưng những hồi ức về quê hương bè bạn, những kỷ niệm nhỏ nhặt dịu dàng đã luôn sống động trong tâm hồn Trúc. Để giờ đây sau bao cay đắng, tôi nhìn Trúc vẫn thấy là Trúc của ngày xưa. Trúc của năm 1981 hát Ngô Thụy Miên trên biển Mỹ Khê giữa bạn bè, trong một buổi chiều sóng ầm ào vỗ. Có lẽ Trúc đã phải hy sinh, đã phải trả giá, nhưng trong trường hợp Trúc làm sao xác tín được cái gì là nên là đừng. Tôi nhìn hai đứa con của Trúc, vẻ bụ bẫm khôi ngô của chúng làm tôi thấy vui. Rồi lại bật cười mà nghẹn đắng nước mắt khi Trúc đùa đùa thật thật kể rằng. Từ nhỏ Trúc đã muốn dạy con trai mình học rành rẽ tiếng Việt. Khi đứa trẻ thắc mắc: Con học tiếng Việt để làm gì? Trúc đã nói: Để khi con hư, mẹ giận con, mẹ chửi con, con có thể nghe và hiểu được mẹ.
*
Tôi không đưa Trúc ra sân bay. Tôi sợ không khí biệt ly và những giọt nước mắt. Tôi xiết chặt tay Trúc rồi trở về. Tôi muốn một mình trong im lặng, nhìn lên bầu trời với lời cầu chúc Trúc bình an.
Trúc không biết tôi đã từng mơ về Trúc. Một năm trước. Tôi mơ thấy Trúc trên một con thuyền đầy ắp người, chòng chành lọt thỏm giữa đại dương đêm. Những bàn tay chới với. Những tiếng la khóc. Mái tóc Trúc xổ bung rũ rượi. Đôi mắt Trúc thất thần hoảng loạn. Đó là một giấc mơ nhầm lẫn. Tôi biết rõ như vậy. Bởi ngày đó Trúc không ra đi đơn độc trên một con thuyền di tản bất trắc trong đêm. Trúc ra đi bên cạnh người chồng Trúc đã chọn vào một ngày sân bay Tân Sơn Nhất tràn ngập nắng.
Nhưng không hiểu sao khi thức dậy tôi vẫn viết những câu thơ này cho Trúc. Những câu thơ Trúc chưa bao giờ đọc:
..…
Trúc đã viết tên mình trên cát ướt
Trúc đã chờ sóng xoá đi những con chữ run run
Trúc đã luôn nghe tiếng gọi đôi chân
(Chỉ đôi chân bần bật run nghe tiếng gọi)
Về đâu
Sắc lẻm xoáy sâu
Biển rối tung ngàn bọt trắng

Những dâng lên của sóng một ngày xa
Những gào lên biết chỉ là vô ích
Những dằm sâu trong trái tim
Biển mặn
Không tẩy rửa được vết hằn sứa lửa

Trúc xác xơ mái tóc xác xơ bàn tay
Đôi gò má xác xơ xanh mét
Mỗi hơi thở là một lời thì thầm mệt
Giấc mơ không đủ ấm để tìm về
Ngôi nhà bé thơ không đủ ấm để tìm về
Thấy đu đưa tâm hồn mình như mảnh buồm rách
Không sắc màu

Một vòm cây xác xơ không gió
Là tất cả những gì còn lại
Trúc
Sau ngày biển động...

                                                                  N.D.Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét