Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

TẢN MẠN CHUYỆN CHIẾC Ô TÔ

(thay thư ngỏ gửi Bộ trưởng họ Đinh)

HÀ PHẠM PHÚ

Một người bạn bảo tôi, nhà văn Chu Lai bức xúc trên báo rằng, có lẽ phải bán ô tô nếu cứ phí nọ chồng lên phí kia, mỗi năm phải chi cả trăm triệu đồng để nuôi nó. Chu Lai là nhà văn “cày sâu cuốc bẫm” vào hàng đầu các nhà văn Việt Nam mà không đủ tiền nuôi ô tô, thì loại tôi làm sao nuôi nổi. Vâng, tôi cũng dành dụm cộng với sự ủng hộ của con cái, mua một chiếc ô tô, dùng được ít năm, chủ yếu để về quê thăm cha mẹ, khi cha mẹ mất thì thăm nom họ hàng, đi lại giỗ tết. Thi thoảng đi công chuyện, du lịch cùng con cháu, bạn bè.
Chiếc ô tô là mơ ước của tôi. Ngày giải phóng Sài Gòn, ngồi chiếc xe tải chở quân vào thành phố, nhìn dòng xe máy của người dân, tôi mơ thống nhất rồi mình nhất định phải có xe máy. Đất nước chuyển mình, bước vào thời kì cải cách mở cửa, vợ con đi làm ăn ở nước ngoài, có được chút tiền, bèn mơ đổi đời, hạ quyết tâm phải mua ô tô. Đi ô tô thật tiện, an toàn, mưa nắng không sợ, đặc biệt là giảm được việc phải hít vào ngực đến hơn 80% khí ô nhiễm. Nổi trội nhất khi có xe riêng, là mình chủ động kế hoạch, tiết kiệm được thời gian, tính tôi thích tự do tự tại. Bất tiện là đi lại trong thành phố, không có chỗ đỗ xe, đi vào giờ cao điểm thì tắc đường, chi phí nuôi dưỡng tốn kém. Bây giờ người ta sáng kiến ra đủ các loại phí, nghỉ hưu rồi, khả năng lao động kiếm tiền kém rồi, cướp đâu ra tiền, dù mình thích cái ô tô đến mấy chắc cũng phải bán? Thật thương cho cái thân mình quá.
Nhưng nghĩ lại mình còn thương cho các nhà hoạch định, vẽ ra chiếc bánh vẽ hơn. Cách đây đã lâu lâu, vào cuối thế kỉ trước, đọc qui hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam thành một ngành công nghiệp mũi nhọn “… Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam để đến năm 2020 trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, có khả năng đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu thị trường trong nước và tham gia vào thị trường khu vực và thế giới.” thấy sướng râm ran. Ôi, ước mơ của mình được nằm trong ước mơ chung của cả nước, còn gì bằng.
Sao không thể ước mơ? Ở nhiều nước, công nghiệp ô tô là một ngành mũi nhọn, cái ô tô là biểu hiện của sự tiến bộ, hiện đại và phồn vinh. Hẳn những kĩ sư quân giới Việt Nam khi còn lội bộ ở rừng Việt Bắc thời kì chống Pháp, đã mơ đến ngày giải phóng sẽ được tự tay làm ra chiếc ô tô của mình. Năm 1954, sau khi tiếp quản thủ đô, ngành xe quân đội đã tự làm ra chiếc ô tô mang nhãn hiệu Việt Nam đầu tiên, chạy sáng choang đường phố Hà Nội. Đối với thế giới, sản xuất ô tô là một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt, chạy ma-ra-tông để giành được ngôi đầu. Lật lại một số bản tin thì thấy, năm 1988, Mỹ sản xuất được 8 triệu chiếc, châu Âu được khoảng 6 đến 7 triệu, Nhật Bản khoảng 600 ngàn. Năm 2003 Nhật sản xuất khoảng 10 triệu, châu Âu 12,5 triệu, Mỹ dậm chân tại chỗ, sản xuất 8 triệu, Trung Quốc mới nổi lên cũng sản xuất được hơn một triệu chiếc. Mỹ, châu Âu, Trung Quốc coi ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn, vì giải quyết được công ăn việc làm cho dân, doanh thu lớn, lợi nhuận cao. (Năm 1996, tập đoàn công nghiệp General Motors của Mỹ, riêng về sản xuất ôtô doanh thu được trên 168 tỷ USD, trong đó lợi nhuận thu về là 5 tỷ USD/năm v.v... Năm 2007, hãng Toyota đạt doanh thu 230,201 tỉ USD, lợi nhuận là 15,043 tỉ. Tập đoàn sản xuất ô tô FAW của Trung Quốc đạt doanh thu 26,391 tỉ USD, lợi nhuận 660 triệu.)
Theo cái qui hoạch mơ ước nói trên, đứa con công nghiệp ô tô sinh ra nhưng lại như đứa trẻ sinh thiếu tháng còi cọc, (tất cả các mục tiêu qui hoạch đề ra đều không thực hiện) vì chính sách thuế. Thị trường ô tô manh nha, do đó không thể phát triển. Nay với chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, thu phí lưu hành thật cao mà ngài bộ trưởng họ Đinh cùng bộ sậu ra sức cổ vũ, chắc chắn sẽ giáng đòn quyết định cho đứa trẻ sinh thiếu tháng kia chết hẳn. Có lẽ cảm nhận được điều đó, ông tổng giám đốc công ty ô tô Toyota Việt Nam dự đoán đến năm 2020, số xí nghiệp ô tô Việt Nam từ 17 có thể chỉ còn 3 có thể trụ lại. 
Không biết chiếc ô tô có tội tình gì mà người ta nghĩ ra lắm thứ thuế, lắm thứ phí đeo vào cổ nó vậy (thực ra là đeo vào cổ người tiêu dùng)? Này nhé, muốn có một con xe bốn bánh để chạy, ngoài tiền mua xe, anh phải chuẩn bị tiền đóng các loại thuế và phí: Thuế nhập khẩu 80%, thuế tiêu thụ đặc biệt 50%, thuế giá trị gia tăng 10%, lệ phí trước bạ 20%, phí biển số 20 triệu, thuế bảo trì đường bộ, phí xăng dầu, phí bình ổn xăng dầu, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm. Người ta tính rằng, một chiếc Toyota Camry 2.5 nhập từ Mỹ về, giá gốc là 25. 000 USD, để có thể chạy được người mua Việt Nam phải tiêu tốn cỡ 100. 000 USD. Trong khi cũng chiếc xe đó ở Mỹ, để lăn bánh trên đường người dân chỉ phải chi 37. 000 USD. Nếu như đề nghị của ông Đinh La Thăng được chấp nhận thì người dân còn phải đóng thêm phí hay thuế lưu hành từ 20 đến 50 triệu đồng/ năm/xe. Mới đây ông Thăng lại đề nghị thuế đó mỗi năm tăng thêm 5%, và gọi là thuế hạn chế phương tiện cá nhân.

Có hạn chế được phương tiện cá nhân không? Chiếc ô tô bây giờ, không chỉ là một chiếc ô tô thông thường. Ô tô bây giờ tích hợp trong nó tất cả các thành tựu công nghệ mới nhất, kể cả dẫn đường vệ tinh, là biểu hiện của sự văn minh tiến bộ, là bộ mặt của một xã hội hiện đại. Người dân có quyền mua và hưởng thụ nó, quyết không phải chỉ giành riêng cho các quan chức và đại gia. Lấy lí do vì ô tô mà ùn tắc giao thông để dựng những hàng rào cao ngất ngưởng đối với đa số dân trung lưu, những cán bộ công chức có thu nhập khá muốn mua ô tô, là không thuyết phục, nếu không muốn nói là không trên một sơ sở pháp lí nào, nghĩ sâu xa còn là phản tiến bộ. (Lỗi chính là các nhà qui hoạch, các nhà quản lí đã làm không tốt, thậm chí làm hỏng qui hoạch đô thị, qui hoạch giao thông, bởi thiếu tầm nhìn xa, nhìn tổng thể, bởi chỉ nhìn thấy cái lợi cục bộ, không nắm được khoa học điều hành một xã hội hiện đại. Việc hạn chế ô tô cá nhân, cũng có nghĩa là hạn chế thị trường, cũng có nghĩa là bóp chết luôn ngành công nghiệp ô tô, thực chất là sự bất lực trước phát triển.)

Nhưng tôi tin, không ai cản được xu thế phát triển và tiến bộ. Nhìn sang các nước tiên tiến, hiện đại, dù phương tiện giao thông công cộng gồm hệ thống tầu điện ngầm, hệ thống tầu điện có đường ray, hệ thống đường sắt, hệ thống taxi, hệ thống xe búyt… có hoàn thiện đến đâu thì ô tô cá nhân vẫn phát triển. Người ta muốn giành nhiều thời gian để cống hiến, để nghỉ ngơi thì nhu cầu di chuyển với tốc độ cao là tất yếu. Vì nhu cầu sống và làm việc của mình, người ta không chỉ mua ô tô mà còn sắm cả máy bay. Hiện nay bình quân số xe trên 1.000 người của Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng 17. Trong khi đó ở Séc con số ấy 450, Bồ Đào Nha: 773, Mỹ là 755, Lucxembourg- 727, Aixolen- 719, Italia- 666, Slovennia- 598, Pháp- 595…

Ở trên tôi mới nói về các sắc thuế và phí. Vấn đề thiết thân với người dân là phải móc  túi mình ra trả cho các loại phí loại thuế ấy là bao nhiêu, dựa trên cơ sở nào? Có hợp lí không, có công bằng không, người dân có chấp nhận không? Điều đó đã có rất nhiều người lên tiếng, tôi không nói thêm sợ làm mất thì giờ của bạn đọc. Theo các số liệu công bố, hiện nay cả nước có khoảng 1.500.000 chiếc ô tô cá nhân (tờ trình của ông Đinh La Thăng lên Thủ tướng bảo chỉ có đâu gần 700.000 chiếc) nhưng số người bị ảnh hưởng đến do thu thuế thu phí quá cao ít nhất là 4, 5 lần con số đó, vì những người có ô tô còn có gia đình. Và chắc cũng còn hàng triệu người nữa cũng có mơ ước giống tôi ngày nào, đang ấp ú kế hoạch mua một cái xe. Thuế phí không hợp lí là động đến lòng dân đấy.

Một nhà văn dịch giả có tiếng, nhà văn Trần Đình Hiến bảo tôi, quản lí và tổ chức một xã hội công nghiệp khó lắm, không dành cho những người chỉ nói suông. Đánh vào quyền dùng xe cá nhân để rộng đường cho các quan đi là ích kỉ và thiển cận. Hóa ra câu chuyện chiếc ô tô không đơn giản chỉ là chiếc ô tô, nó còn là tấm gương phản ánh trình độ tiến bộ của một xã hội, là thước đo năng lực quản lí, năng lực qui hoạch, năng lực điều hành, năng lực tổ chức, tính vì dân, phục vụ lợi ích của nhân dân đến đâu./.

                                                                                                          H.P.P

1 nhận xét: