1. Lâu lâu mình mới đi ăn phở một lần. Ở Vũng Tàu không hiếm quán bán phở buổi sáng, nhưng quay đi quay lại có lẽ cũng chỉ có mỗi phở Vị Hoàng là ăn được. Chủ quán Vị Hoàng vốn người Nam Định, trước khi vào Vũng Tàu đã từng bán phở ở phố ga. Vào Vũng Tàu quãng trên dưới hai chục năm nay, “chuyên sâu” món phở, mấy lần đổi địa điểm, cuối cùng chốt lại gần ngã ba Lê Lợi - Phạm Hồng Thái, trước cổng xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt - Xô, nơi có đông người thuộc thành phần có thể ăn phở thường xuyên mỗi ngày mà không cần phải lăn tăn gì.
Mình mà viết thêm mấy dòng về phở Vị Hoàng, e rằng mang tiếng PR cho quán. Vả lại, khi mở máy để gõ những dòng này, nguyên do không từ phở, mà lại từ… bánh cuốn!
Cái bàn mình ngồi ăn phở sáng nay kê sát cửa sổ nhìn sang bên kia đường. Ở cửa một ngôi nhà bên ấy, có tấm băng rôn nền đỏ chữ vàng: “Bánh cuốn nóng làng Giáng - Thanh Hóa - khai trương ngày…”.
Làng Giáng là cái làng quái nào nhỉ? Mình xin lỗi những người đã biết về làng Giáng. Bánh cuốn làng Kênh, bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Hải Dương… nổi tiếng thì đi một nhẽ. Nhưng còn làng Giáng thì quả thật lần đầu mình nghe tên. Ở Vũng Tàu cũng có một quán bánh cuốn trưng bảng hiệu làng Kênh. Chả biết Kênh vay mượn hay Kênh đích thực, nhưng khách đến ăn mỗi sáng cũng đủ cho nhà hàng luôn chân luôn tay. Lại còn một quán nữa không trưng bảng, nghe nói cô chủ người Hà Nam, trước ngồi vỉa hè, sau thuê hẳn gian nhà rộng mặt tiền, xe máy dựng ngoài cửa chật kín. Bây giờ nhoi ra thêm bánh cuốn làng Giáng! Lạ lẫm, mới toanh như thế giữa thương trường, kể cũng là một sự thách thức dũng cảm.
Ở quán phở bên này nhìn sang, thấy khách ra vào cái quán bánh cuốn vừa khai trương ấy còn quá lèo tèo. Tiếc là ngày mai, mình có việc phải đi xa ít ngày, chứ nếu không, thể nào mình cũng đến làm một suất “ủng hộ”.
2. Cùng với thời gian, nhu cầu ăn uống của con người thay đổi, cách chế biến những món quà sáng cũng thay đổi theo. Mình nhớ bát phở ngày xưa bánh phở tráng rất mỏng, thái to, trơn và giòn. Múc thìa phở lên đưa vào miệng, những miếng bánh gãy ra, nóng bỏng, trôi tuột ngay vào họng. Bánh phở bây giờ lại thái thành sợi, đều tăm tắp như bánh đa (bánh canh), quấn vào nhau, không có đũa là chịu chết không xêu lên được. Rồi phở ăn với giá sống. Rồi phở bò - gà (bát phở trộn lẫn thịt gà với thịt bò). Đến cái “phát minh” hơi có phần tanh tưởi là đập thêm quả trứng vào thì bát phở đã biến thái đến mức hầu như không còn tí cơ hội nào để quay về làm phở nữa. Viết đến đây mình sực nhớ ở Sài Gòn có quán phở Bắc của một bà lão. Quán xập xệ trong hẻm. Ngay trên bàn ở lối ra vào trưng tấm bảng với dòng chữ phấn trắng đập vào mắt: “Ở đây không phục vụ giá sống, trứng gà”. Ông bạn mình nhà ở xa cả chục cây số mà hôm nào cũng phải phóng xe máy đến cái quán ấy ăn sáng. Chủ nhật còn đưa cả vợ con đến. Ông bảo “nghiện” cái món phở của bà lão bảo thủ này mất rồi.
Trong khi ấy, ở Vũng Tàu, mình vẫn là khách quen của cô chủ quán bánh cuốn Hà Nam . Bánh tráng dày, lắm khi nát, đĩa bánh kèm đĩa giá trần nước sôi, trộn lẫn mấy loại rau thơm băm nhỏ. So với đĩa bánh cuốn Hải Dương mà bà mẹ một anh bạn đãi mình mỗi lần mình về chơi, thì bánh cuốn của cô Hà Nam-Vũng Tàu thuộc loại vét đĩa. Vậy mà mình ăn mãi thành quen.
(Còn nữa. Khi nào về viết tiếp, hi hi)
T.Đ.T
Em cũng nhớ cái bánh phở thời ấy như thế, nó mới tuyệt vời làm sao?
Trả lờiXóaĂn phở kiểu của chú Tiến cứ như mang luôn cả linh hồn của đất Bắc vào bát phở vậy.
Trả lờiXóaỞ Biên Hòa cũng có một, hai quán phở ăn được nhưng không thể tìm ra quán phở thuần túy nào như ở nơi gốc của nó cả. Thôi để dành áất cả ra Hà Nội ăn cho ngon anh Tiến ạ.
Trả lờiXóa