Mồng 2-9, nghỉ, tính mời đám con cháu đến nhà ăn cơm với ông bà. Thằng con trai bảo: con đi câu. Hỏi: câu ở đâu? - “Ở Bà Rịa bố ạ. Đi với mấy gia đình bạn bè cùng cơ quan. Chắc tối mai mới về”.
À, mình biết cái kiểu câu thư giãn này của chúng nó rồi. Mình cũng đã từng đi vài ba lần. Ao nuôi sẵn cá. Cành câu có sẵn, mồi có sẵn. Chỉ việc mua vé rồi cứ thế vào câu. Vừa câu vừa chơi. Đến bữa thì chọn mấy con cá ngon vừa câu lên được, bảo nhà bếp (chỗ câu cá thư giãn nào cũng có một nhà hàng nho nhỏ) chế biến món nhậu, rồi nhậu ngay tại chỗ. Nhưng mà phải trả tiền, chứ cá ấy… không phải cá của mình.
Mình bỗng nhớ lại hồi còn trẻ con ở làng, mình vác cành lang thang khắp cánh đồng, ao chuôm trong làng để kiếm mấy con cá làm thức ăn. Bữa ăn nào có niêu cá kho - cá do mình câu được, mẹ cũng xới cho mình bát cơm thật đầy, rồi nhìn mình ăn ngon lành, mắt mẹ rơm rớm ướt…
*
* *
Câu cá giếc
Con cá giếc trông gần giống như cá chép, nhưng nhỏ hơn.
Cá chép mỗi khi kho, nấu… thường phải cắt ra làm nhiều khúc (quê tôi gọi là xắt khúc). Chép nhỏ thì xắt đôi, chép to thì xắt ba, xắt tư. Cá giếc thường chỉ bằng ba, bốn đầu ngón tay. Hiếm có con nào to bằng bàn tay - to bằng bàn tay được gọi là giếc cụ.
Những cái ao ở làng tôi, nếu có nuôi cá thì người ta chỉ thả cá trắm, cá chép, cá trôi, cá mè. Còn những loài khác như con giếc, con thiểu, con mại, con thòng đong, lân cấn, hay mấy thứ cá đen như cá quả, cá sộp, cá trê, cá rô… thì không ai thả, nhưng không hiểu sao ao nào cũng sẵn. Người lớn bảo chúng tự sinh ra từ đất, từ nước.
Bọn trẻ con lên năm lên sáu thích câu thòng đong, lân cấn về nấu canh dưa, hay câu con mại cờ (cá đuôi cờ) về thả nuôi trong bình nước cho đẹp. Lên chín lên mười mới câu cá giếc. Cá càng lớn càng khôn, nên người đi câu cũng cần phải biết cách câu.
Lưỡi câu cá giếc uốn bằng dây thép phanh (ruột dây phanh xe đạp), hoặc chiếc kim khâu. Kim khâu nhọn sẵn, không cần mài, nhưng khi uốn phải nung đỏ mới không bị gãy. Miệng cá giếc nhỏ nên dùng loại lưỡi ấy là vừa. Dây câu cũng phải mảnh và mềm mại. Cho nên chúng tôi dùng chỉ may chứ không dùng cước. Chỉ đen hay chỉ trắng đều dễ bị lộ. Tốt nhất là chỉ trắng nhuộm mực xanh. Chỉ cần bơm một giọt mực ra góc bàn rồi dìm sợi chỉ vào từ từ kéo qua cho mực thấm. Chỉ xanh lẫn với màu nước ao, cá giếc không nhận ra.
Cá giếc kiếm mồi dưới đáy ao, nên khi câu phải so đất. Viên một cục đất dẻo bằng hòn bi vào lưỡi câu thả xuống, rồi lấy đó làm cữ để buộc phao. Phao tốt nhất là cọng hoa ngô phơi khô, vừa nổi vừa bền. Còn mồi câu tốt nhất là mồi giun. Kiếm những con giun cỡ que tăm, khi mắc mẩu giun phải trùm kín lưỡi câu, không được để lưỡi thò ra ngoài mồi.
Chọn chỗ ngồi câu có mặt nước thoáng, xa cầu ao cho khỏi động, không vướng rễ bèo, cành trà (cành tre gai cắm xuống ao cho tôm, cá đẻ trứng). Chỗ ngồi dưới gốc cây có bóng mát thì càng tốt, vì câu cá giếc phải biết kiên nhẫn chờ đợi.
Xong xuôi mọi thứ thì bắt đầu ném cám. Cám rang thơm phức chìm xuống ao, chỉ vài phút sau là bọn cá lẹp (mương, thòng đong, lân cấn…) xúm vào. Hãy chờ cho đến khi nào thấy những chùm tăm cá sủi lăn tăn lên mặt nước - ấy là lúc cá giếc tìm đến. Bấy giờ mới nhẹ nhàng thả câu.
Cá giếc không tham ăn, ăn ẩu như cá rô hay cá thiểu. Cá rô thấy cái gì động đậy trên mặt nước cũng đớp, bất kể là con ruồi, con bọ ngã xuống hay chỉ là cánh hoa cau rụng. Cá thiểu thấy mồi là ngoác mồm nuốt chửng. Nhưng cá giếc thì còn thăm dò. Cho nên cái phao trên mặt nước cứ nhấp nháy nhấp nháy mà chưa chịu chúi xuống hẳn. Phao phải chúi xuống hẳn, lừ lừ chạy đi một đoạn ngắn thì giật. Mười phần, chắc đến chín phần cá dính câu. Phao còn nháy là cá chưa ngậm hẳn miếng mồi. Có giật cần lên cũng chỉ có lưỡi không, quá lắm thì giật đứt được cái môi cá. Nhiều phen thấy cái môi con cá giếc treo toòng teng ở lưỡi câu, tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Cạnh nhà tôi có lão Vạc câu cá giếc thành thần. Lão đi làm ăn xa, một năm về nhà vài ba lần, lần nào cũng vác cần ra ao. Tôi câu cả buổi chỉ được dăm bảy con, còn lão thì phải được vài chục. Mà ao nhà tôi đâu có ít cá giếc hơn ao nhà lão (tôi đã mấy lần câu trộm ở ao nhà lão nên tôi biết). Ngồi ở bên này nhìn sang, thấy lão giật nhoay nhoáy, sốt cả ruột. Có bận tôi bỏ chỗ, mon men sang xem lão câu để “học tập kinh nghiệm”. Cũng một bát cám rang. Cũng những con giun nhỏ làm mồi. Cũng so đất trước khi thả câu. Lưỡi câu cũng uốn bằng thép phanh. Chỉ câu thì lão dùng ngay chỉ trắng, chẳng cần nhuộm… Thế mà cái chậu sành lưng lửng nước bên cạnh lão chen chúc những cá. Những con cá giếc to nhỏ các cỡ, còn sống nguây nguẩy.
Ngồi chưa yên chỗ, lão Vạc đã giật cần. Lần này không phải cá giếc dính câu mà là con cá mại. Cá mại tanh, người không ăn, nếu nhà không nuôi mèo thì thường người ta lại thả chúng xuống ao. Nhưng lão Vạc gỡ con cá mại, vung tay quật đánh đét một nhát xuống đất. Con cá chết thẳng cẳng. Lão tiếp tục buông câu, tranh thủ lấy cái que dằm nát con cá mại vào bát cám.
Xong, lão nhúm một nhúm cám bằng quả sung ném thêm xuống chỗ câu. Nhúm cám rơi xuống nước, kêu đánh tõm như cục đất. Tôi thấy lạ. Hoá ra, ngoài xác con cá mại, lão còn trộn cám rang với đất vụn, khá nhiều đất vụn. Bát cám của lão dẻo quẹo như bát đất.
Cái phao lại nhấp nháy, nhấp nháy. Phao chưa kịp chúi xuống lão đã nhanh tay giật. Cá vẫn dính câu. Tôi để ý thấy mẩu giun trong miệng con cá giếc còn nguyên. Lão Vạc lấy hai ngón tay bóp nhẹ vào mang cá cho cái mồi giun phòi ra, rồi lại ngoắc ngay cái mồi cũ ấy vào lưỡi câu, ung dung thả xuống.
Mãi sau này tôi mới vỡ lẽ về cách câu cá giếc của lão Vạc.
Lão quật chết con cá mại, một công đôi việc: con cá xấu số ấy không còn cơ hội quay lại phá lão, và bát cám có thêm mùi tanh để dụ cá.
Cám trộn với đất để cá khó ăn, muốn ăn nhanh chỉ có thể ăn mồi ở lưỡi câu.
Lão nhìn phao nhấp nháy, biết khi nào con cá ngậm mồi vừa đủ thì giật. Chờ phao chìm hẳn, cá ăn sâu, vừa khó gỡ lưỡi câu ra khỏi họng cá, vừa mất một miếng mồi. Một miếng mồi của lão có khi câu được ba bốn con cá!
Lão Vạc quả là sát thủ đối với lũ cá giếc.
Nhưng khi đã biết rõ các “mánh” câu của lão, tôi cũng không bao giờ học theo.
24-12-2008
T.Đ.T
Câu quăng, đứng bóng, rồng rồng…
Ở quê tôi, người ta gọi cá quả là cá quả, chứ không ai gọi là cá chuối. Cũng như cá sộp là cá sộp, chứ chả nghe thấy từ cá lóc bao giờ. Cá sộp thoáng trông gần giống như cá quả. Nhìn kỹ thì thấy đầu cá quả nhọn và dài, đầu cá sộp bẹp và ngắn. Cá quả mình thon, hoa trên người cũng vằn vện, dữ dằn hơn cá sộp.
Cá quả và cá sộp đều có thể câu được, và cách câu cũng giống nhau.
Câu nhiều, câu thường xuyên và có vẻ “chuyên nghiệp” thì dùng câu quăng. Một bộ câu quăng đầy đủ gồm có: cành câu, khuyết, bồng câu, dây cước, lưỡi câu và hòn chì. Cành câu quăng thường phải chặt bớt ngọn đi cho cứng, chứ không để ngọn mềm như cành câu thường. Đầu cành gắn cái khuyết. Khuyết có hai lỗ tròn: một lỗ để gắn chặt vào ngọn cành câu, một lỗ cho cước chui qua. Khuyết tốt nhất là cái tai ấm tích bằng sứ (kiếm được cái ấm tích vỡ để ghè lấy cái tai ấm cũng là chuyện cực kỳ nan giải). Nếu không có tai tích thì phải dùng dây thép uốn thành hình số 8, rồi lấy vải quấn chặt ra ngoài, bôi sáp cho trơn.
Bồng câu (dùng để cuộn cước) đúng kiểu được tiện bằng gỗ. Từ làng tôi phải cuốc bộ ngót hai chục cây số ra tỉnh, đến phố Hàng Tiện mới mua được cái bồng. Nên có người ngại đi, ngại tốn tiền thì dùng tạm bằng cái vỏ hộp sữa bò.
Cước dài khoảng ba chục mét, một đầu cột chặt vào bồng, đầu kia cho chui qua lỗ khuyết, chui qua cả ruột hòn chì rồi mới buộc lưỡi câu.
Mồi câu là con nhái. Bắt được con nhái vừa mồi, thường bẻ ngay hai cái xương đùi để mắc vào lưỡi câu cho dễ (không bẻ đùi có khi nhái giãy vuột khỏi tay nhảy đi mất). Lưỡi câu móc ngầm bên trong, dọc theo thân con nhái. Dùng đoạn cước thật nhỏ dài cỡ ngón tay đã buộc sẵn ở đuôi lưỡi câu, quấn chặt mõm nhái vào lưỡi. Sau đó, ngắt một đoạn cỏ câu - loại cỏ thân rỗng, chỉ nhỉnh hơn sợi cước - gắn một đầu vào mũi lưỡi câu, đầu kia nhét vào cái lỗ nhỏ bên sườn hòn chì. Nếu không có đoạn cỏ này thì khi kéo mồi trên mặt nước, lưỡi câu sẽ mắc phải cành trà, hoặc rau muống, bèo…
Khi câu, một tay vẩy ngọn cành câu, đồng thời tay kia cầm bồng thả cước. Con mồi - có thêm sức nặng hòn chì - bay đi một đoạn dài. Người câu giỏi có thể quăng con mồi đến một điểm theo ý mình. Thỉnh thoảng nhớ nhúng ngọn cành câu xuống nước một cái cho khuyết trơn, cước không bị mòn. Tay ngoáy bồng cuộn cước phải thật dẻo. Làm sao cho con mồi lướt êm trên mặt nước từng đoạn từng đoạn, đều đặn, nhịp nhàng, hệt như con nhái còn sống đang bơi. Khi vận may đến thì nghe “bùm” một phát! Bọt nước tung toé. Con mồi biến mất tiêu. Ngọn cành câu ghì trĩu. Giữ chắc cành, thả lỏng tay bồng cho cước trôi ra mấy vòng. Một, hai, ba… Giật! Cá mắc câu. Cước căng thẳng. Lại ngoáy bồng cuộn cước cho thật nhanh.
Sắm bộ câu quăng vừa tốn tiền vừa mất công nên bọn trẻ con chúng tôi chẳng mấy đứa có. Chúng tôi chỉ câu cá đứng bóng hoặc câu tổ rồng rồng.
Giữa trưa, nắng đổ lửa, làng xóm vào giấc lặng như tờ, một mình vác cần tha thẩn đến những cái ao có nhiều bóng tre, bóng trúc. Dưới mặt nước im ắng trong vắt, thỉnh thoảng nhìn rõ một con cá quả hay cá sộp nằm bất động như khúc củi. Nó cũng đang lơ mơ ngủ. Đó là con cá đứng bóng. Hãy thận trọng mắc mồi (tốt nhất là một con tôm vặt trụi râu hay một con nhái nhỏ). Thận trọng đừng để bóng mình soi xuống nước. Nín thở thả con mồi thật nhẹ, thật êm, sao cho mồi chạm một cái mơ hồ vào điểm chót cùng của cái đuôi cá. Con cá giật mình quay ngoắt lại. Chưa kịp tỉnh ngủ, nó thấy mồi là đớp luôn.
Rồng rồng là đàn cá quả hoặc cá sộp con mới nở, từ lúc còn lít nhít như đầu kim cho đến khi bằng đầu tăm, rồi bằng đầu đũa ăn cơm, vẫn bơi đi kiếm ăn theo đàn ven bờ ao hay con mương con ngòi, và luôn luôn có cá mẹ cá bố hộ tống. Rồng rồng càng nhỏ, câu cá mẹ cá bố càng dễ. Thỉnh thoảng chúng tôi còn phát hiện ra cái tổ cá từ lúc trứng chưa kịp nở. Khi rồng rồng đã lớn bằng đầu đũa, từng con sắp sửa tách ra kiếm ăn riêng thì bố mẹ chúng cũng bớt say mồi đi nhiều.
Câu tổ rồng rồng dễ và chắc ăn hơn câu quăng hay câu cá đứng bóng nhiều. Câu quăng chả nhìn thấy cá đâu, chủ yếu nhờ may rủi. Có khi chầy mặt ra dưới nắng cả buổi, con mồi quăng đi kéo về tã tượi mà không có con cá nào đoái hoài. Câu đứng bóng gặp con cá no nê, tỉnh táo, nó lấy mõm vờn con mồi chán chê, kỳ cho đến lúc lòi ra cái mũi lưỡi câu nhọn hoắt nấp bên trong. Có khi lúc ấy chính người câu thấy tẽn tò nhấc câu lên, chả cần chờ cho con cá vùng chạy. Còn câu tổ rồng rồng không chóng thì chầy cũng bắt được cá mẹ hoặc cá bố, nhiều khi là cả hai.
Mồi để câu tổ rồng rồng là con tôm sống, con nhái sống, nhưng hiệu nghiệm nhất vẫn là con cá cờ (có nơi gọi là con sòi sọi, con săn sắt). Cá cờ thường có nhiều ở các ao tù, câu rất dễ. Hoặc có thể bắt sống trong những vũng chân trâu ven bờ ruộng nông. Cá cờ thường đẻ trứng trong những vũng chân trâu săm sắp nước. Trứng là một đám bọt nhỏ bằng đồng xu. Cứ vũng nào có bọt là có cá cờ mẹ. Chỉ cần nhẹ nhàng lấy bùn be thành cái bờ nhỏ vây chung quanh, vét hết nước ra là bắt được cá.
Lấy lưỡi câu móc dọc vào sống lưng con cá cờ làm mồi, sao cho nó đừng nhanh chết. Nhẹ nhàng thả mồi xuống giữa tổ rồng rồng. Con cá mồi đau đớn giãy xoành xoạch. Đàn cá con sợ hãi chạy túa ra. Còn bố mẹ chúng đang lởn vởn quanh đó canh chừng, tưởng con cá cờ đến ăn con mình, liền đùng đùng nổi giận, xông đến táp cho một nhát. Thường là cá bố bắt mồi trước. Cá bố cũng thường nhỏ hơn cá mẹ. Khi còn cả đôi, chúng kín đáo quấn quýt bên con. Khi mất một, con còn lại bỗng trở nên hung hãn, giận dữ khác thường. Nhưng giận mà không hề mất khôn. Dường như nó biết cả đàn con nhỏ dại giờ đây chỉ còn biết trông cậy vào nó… Muốn câu nốt con cá này, có khi phải kiên nhẫn “mai phục” cả mấy ngày sau, chờ nỗi đau của nó lắng xuống.
Những ngày nghỉ học tôi một mình một cành câu lang thang ngoài đồng, hoặc rảo một lượt khắp các ao trong làng tìm tổ rồng rồng. Nhiều người bảo cá quả, cá sộp sống trong ao sẽ ăn mất cá con của những loài cá khác, nên cứ để cho người khác câu thoải mái. Hôm nào tôi phát hiện ra tổ rồng rồng chưa bị phá (vẫn còn cá bố cá mẹ) thì hôm đó chắc có cá xách về. Một lần, vừa bước chân đến ao nọ, tôi giật mình nhìn thấy vật gì đen đen, tròn tròn nằm thẳng dẵng trên bờ. Định thần nhìn kỹ, hoá ra là con cá quả. Nhưng hình như nó đã chết. Mình mẩy nó dính đầy đất cát, lá cây khô. Một đàn kiến đã xúm đông xúm đỏ trên mình nó… Tôi lấy ngọn cành câu chọc chọc vào con cá. Bỗng giật thót mình. “Con cá chết” đột nhiên quăng mình nhảy tùm xuống ao. Tôi bàng hoàng nhìn theo. Những vòng sóng toả rộng, tan dần. Từ dưới sâu, bầy rồng rồng úi lên đông nghịt, thi nhau đớp những con kiến nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Đấy là những con kiến vừa rời ra khỏi mình con cá mẹ nằm giả chết trên bờ.
Tôi đứng ngắm đàn cá con hồi lâu rồi quyết định không câu cái tổ rồng rồng này nữa. Lần ấy đi câu về tay không, nhưng tôi vẫn thấy mình “lãi” to! Tôi được tận mắt chứng kiến một chuyện lạ lùng. Con cá quả liều lĩnh nhảy lên bờ, cắn răng trần mình ra cho kiến đốt để kiếm mồi nuôi con.
Khi kể lại chuyện này cho mọi người nghe, có nhiều người không tin. Họ vẫn thản nhiên vác cành đi câu rồng rồng…
5-3-2009
T.Đ.T
Đôi khi cứ ước mình không lớn lên ở thành thị để còn giữ được những ký ức nhà quê. Cảm ơn nhà văn đã ghi lại rất tỉ mẩn và ấm áp tình. Tiếc thật, những khung cảnh thanh bình như thế này giờ chỉ còn tồn tại trong văn chương...
Trả lờiXóatuyệt vời!
Trả lờiXóaPlease let me know if you're looking for a author for your weblog. You have some really good articles and I believe I would be a good asset. If you ever want to take some of the load off, I'd love to write some content for your blog in exchange for a link back to mine.
Trả lờiXóaPlease send me an e-mail if interested. Regards!
Check out my blog : latest news about football transfer