Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

ĐÃ MANG LẤY NGHIỆP...

TRẦN ĐỨC TIẾN


                                                                Tưởng nhớ nhà văn, dịch giả Lê Xuân Quỳnh

            Một lần ngồi nói chuyện với Lê Xuân Quỳnh, biết ông là người quan tâm đến văn học Mỹ La-tinh, tôi có nhắc cái truyện ngắn mà tôi cực kỳ thích là truyện “Bờ thứ ba của dòng sông”. Tôi không nhớ tên tác giả, chỉ nhớ truyện được in ở ngay số 1 tờ “Văn học nước ngoài” của Hội Nhà văn - bấy giờ còn xuất bản dưới dạng lưu hành nội bộ, in roneo trên giấy vàng xỉn. Truyện ấy ám tôi mãi về sau này, khiến tôi nghĩ rằng trong cuộc đời đọc và viết, mỗi người chỉ có vài ba lần may mắn gặp được những tác phẩm như vậy. Ông Quỳnh ngồi nghe không nói gì. Nhưng ít hôm sau, ông bắt đầu mang đến cho tôi những truyện ngắn nước ngoài do ông dịch. Đấy cũng là những bản dịch đầu tiên của ông được in trên tờ tạp chí “Văn nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu” (của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
          Lê Xuân Quỳnh thử sức mình ở lĩnh vực dịch văn học vào những năm cuối cùng trong cuộc đời công chức. Nhưng đến khi nghỉ hưu thì ông mới thực sự dành toàn bộ tâm sức của mình cho công việc yêu thích - cái thú vui, niềm hạnh phúc ông phải “nhịn” trong suốt những năm dài dặc “trói” mình nơi bàn giấy của những công sở.
          Tôi xui ông gửi một số truyện ngắn ông dịch cho tạp chí “Văn học nước ngoài”. Tạp chí in ngay. Rồi những bản dịch tiểu thuyết, tập truyện ngắn của ông được một số nhà xuất bản lần lượt cho ra mắt bạn đọc. Trong số này nghe nói có một cuốn lọt vào vòng chung khảo giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn (cuốn “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” của G.G. Marquez). Tôi lại xui ông làm hồ sơ xin vào Hội. Sang năm thứ hai thì đơn của ông được chấp thuận. Lê Xuân Quỳnh trở thành hội viên Hội Nhà văn cùng lúc với tên tuổi ông được nhiều người biết đến, nhất là với bạn đọc yêu văn học Mỹ La-tinh. Một số nhà xuất bản và công ty sách tư nhân đã ký hợp đồng dịch sách với ông. Mỗi lần có sách mới ra, ông không quên mời tôi đi ăn sáng, uống cà phê và tặng sách.
          Lê Xuân Quỳnh cặm cụi làm việc, âm thầm và hối hả. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong khoảng gần chục năm cuối đời, ông đã dịch và xuất bản ngót hai chục đầu sách, trong đó phần lớn là tác phẩm của những nhà văn Mỹ La-tinh tiêu biểu: Marquex, Allende, Saramago, Pitol, Coelho… Say mê làm việc, nhưng công việc nặng nhọc cũng bòn rút nhanh “quỹ” sức khỏe không còn nhiều của Lê Xuân Quỳnh. Ông già đi trông thấy. Và cũng yếu đi trông thấy. Mới năm nào ông còn quần sooc áo phông phăm phăm leo núi Nhỏ thể dục mỗi chiều, tết năm nay ông đến chơi nhà, tôi giật mình nhìn ông lẫm chẫm như sợ dẫm vào vũng nước. Mà nhà tôi thì bằng phẳng khô ráo, làm gì có cái vũng nào! Ông bảo: ông vẫn còn cày cuốc bằng máy tính khỏe lắm, chả mấy khi ngồi chơi không. Tôi nghĩ thầm: “đã mang lấy nghiệp vào thân” (*) thì còn phải cày cuốc cho đến chết cơ, ông Quỳnh ạ.        
          Quả nhiên vẫn còn những hợp đồng chưa kịp thực hiện, Lê Xuân Quỳnh đã ra đi. Nghe nói trong số đó có cả cuốn “Thành phố và những con chó” của Mario Varga Llosa (giải Nobel văn học năm 2010). Nhưng tập truyện ngắn chọn lọc của các nhà văn Brasil hiện đại “Bờ thứ ba của dòng sông” thì đã xong rồi. Giống như nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên, Lê Xuân Quỳnh bỏ lại đôi bờ thực của dòng sông gia đình, bạn bè, công việc…, để ôm con thuyền độc mộc của số phận mình, nhẹ nhõm trôi vào cõi bờ hư ảo.

                                                                                    25-7-2011
                                                                                       T.Đ.T

-----------------------------------------------------------------
(*): Truyện Kiều - Nguyễn Du.

1 nhận xét:

  1. Miên: Em không quen bác Quỳnh mà đọc bài anh viết cũng thấy buồn. Một dịch giả tử tế lại ra đi. Mong bác Quỳnh siêu thoát.

    Trả lờiXóa