TRẦN ĐỨC TIẾN
Nhà văn TÔ HOÀI |
Bước sang năm nay (Tân Mão, 2011), nhà văn Tô Hoài được 92 tuổi trời, tính theo tuổi ta. Trong khoảng 70 năm cầm bút, cứ bình quân 1 năm ông cho ra đời 2 cuốn sách. Ở Việt Nam , ông đang là nhà văn giữ kỷ lục về số đầu sách đã xuất bản, chưa kể những tác phẩm báo chí còn nằm rải rác trên các loại sách báo chưa tập hợp được.
Tô Hoài viết báo không ít, và cũng không ít bài báo của ông ở dạng bút ký, ghi chép... có giá trị văn học cao và còn lại lâu dài với thời gian (chẳng hạn những bài về phong tục, nếp sống sinh hoạt, chuyện cũ Hà Nội...). Riêng về số lượng chữ nghĩa của mảng báo-văn này, ông cũng đã cho xuất bản khoảng dăm đầu sách.
Tô Hoài là người cầm bút chuyên nghiệp. Bất kỳ ở đâu và lúc nào, ông đều có thể viết. Trên đường đi, trong khách sạn, đang ngồi họp..., thậm chí đang ngồi trên ghế chủ tịch đoàn ông cũng hí hoáy với mảnh giấy và cây bút. Để viết mãi mà không cạn vốn liếng, đương nhiên Tô Hoài phải chọn cho mình một cách sống, một thái độ sống phù hợp. Qua những tập sách mang tính chất tự truyện, hồi ký của ông, người đọc nhận ra ông là người sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi công việc. Tham gia cách mạng từ trước 1945 cho đến nay, ngoài làm báo, viết văn, ông còn làm nhiều việc khác trong các đoàn thể, tổ chức như Hội Ái hữu công nhân, Hội Văn hoá cứu quốc, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội... Tô Hoài đi cải cách ruộng đất. Tô Hoài làm trưởng khối phố, đi tuần đêm với dân phòng, đi bắt rượu lậu... Làm việc gì ông cũng hết mình, và quan trọng hơn cả đối với người cầm bút là ghi chép rất tỉ mỉ, lưu giữ chúng thật cẩn thận.
Trân trọng từng khoảnh khắc sống, Tô Hoài trân trọng cả với công việc viết lách của mình. Ông viết cả những mẩu tin, những bài báo chỉ bằng bàn tay (nhiều người trong chúng ta gọi là viết báo vặt). Nhưng điều thú vị hơn là ngay với những tin bài vặt vãnh ấy, ông vẫn dùng cái bút danh nổi tiếng: Tô Hoài! Ông yêu qúy, chịu trách nhiệm về từng chữ của mình trước bạn đọc.
Tô Hoài đã đến Vũng Tàu nhiều lần. Lần nào cũng vì công việc: bắt đầu viết cuốn sách mới, hoặc hoàn thành nốt những trang cuối cùng của tập bản thảo bỏ dở. Ngoài phần lớn thời gian đóng cửa làm việc, thỉnh thoảng ông cũng đi dạo phố, gặp gỡ người này người kia... Một lần đến thăm ông ở nhà sáng tác Vũng Tàu, nhân dịp ti vi đang truyền trực tiếp một giải bóng đá lớn, tôi vui chuyện hỏi ông có thích xem bóng đá? Ông cười: "Mình chỉ thích đọc bóng đá, chứ không thích xem". Đọc ở đây là đọc những bài tường thuật bóng đá trên báo. Và hai cây bút ông khoái nhất trong thể loại này là Chánh Trinh và Tường Vy (cả hai ông nhà báo nổi tiếng đó đã ra người thiên cổ mất rồi).
Nói chung, trong việc đọc (xem, nghe) báo, ông thích đọc báo viết, hoặc nghe đài, chứ ít khi xem truyền hình. Đi đâu ông cũng mang theo một cái radio nhỏ. Có lần đến Vũng Tàu, radio của ông bị hỏng, ông loay hoay mất mấy ngày mới tìm được người chữa hộ. Cũng trong lần gặp gỡ kể trên, tôi mua cho ông mấy tờ báo. Lúc đưa báo, theo thói quen, tôi gỡ ra những tờ quảng cáo định bỏ đi, ông vội vàng ngăn lại. Theo lời ông, đọc báo là đọc từ đầu đến cuối tờ báo, không bỏ đi dòng nào. Đọc cả cái giá báo in nhỏ xíu ở góc trang cuối cùng. Và những tờ quảng cáo là "đồ bỏ" với nhiều người, thì với ông, nó chính là một phần của đời sống. "Mình đi thực tế bằng những trang quảng cáo ấy đấy" - ông lại mủm mỉm cười nói với tôi.
Một lần vào dịp cuối năm, trong lá thư gửi cho tôi, Tô Hoài viết: "Chắc mấy hôm nay Tiến và các bạn lại bận bịu báo Tết rồi. Tôi vẫn nhận đều báo của Tiến. Cái công thức báo mở ra cả nước và thế giới cùng lúc với địa phương khiến cho báo có đặc điểm riêng, đọc hay đấy...". Tờ báo Tô Hoài nói tới ở đây là tờ tạp chí "Văn nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu". Tôi thường xuyên gửi tạp chí biếu ông, luôn coi ông là người đọc khả kính, thân thiết nhất - một độc giả lớn - của tờ báo. Ông đã đọc và nhiều lần góp ý cho chúng tôi. Chính ông đã có lần bảo tôi: mỗi số tạp chí nên có một cái mục lục để bạn đọc dễ theo dõi. Nhiều năm rồi báo không in mục lục. Và "Văn nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu" lại bắt đầu có trang mục lục kể từ sau góp ý của Tô Hoài...
T.Đ.T.
Nguồn: Văn học quê nhà (toquoc.gov.vn)
Anh Tiến có biết địa chỉ email của bác Tô Hoài không ạ? Nếu có cho em xin. Em đang rất cần liên lạc với Bác.
Trả lờiXóaCảm ơn Anh!
Nhưng giá như ông Tô Hoài đừng viết Chiều chiều ...Và giá như nhiều ông nhà văn, nhà thơ khác đừng viết hồi ký kể lại những sự thật trần trụi của các ông thì hay biết mấy
Trả lờiXóa